Sunday, October 15, 2017

60 NĂM, Trường Phan Bội Châu Phan Thiết… BS Đổ Hồng Ngọc

Thư gởi bạn xa xôi, tặng Trần Vấn Lệ
Tôi thi đậu vào Đệ thất (lớp 6) trường Phan Bội Châu Phan Thiết năm 1954, đứng hạng 7, được học bổng. Hồi đó, đậu vào Phan Bội Châu là một vinh dự lớn. Đến bây giờ, mỗi khi nhắc đến trường Phan Bội Châu Phan Thiết tôi vẫn còn nghe một chút gì đó nao nao!

Mãi đến năm 1952, Bình Thuận mới có một ngôi trường trung học công lập đầu tiên. Lúc đầu trường chỉ có vài lớp, mượn tạm một cơ sở nằm trên đường Saigon, nay là đường Trần Hưng Đạo. Năm 1954 cả trường cũng mới chỉ có mấy lớp, đệ thất, lục, ngũ. Đệ tứ thì phải ra Nha Trang hoặc vào Saigon học tiếp để thi Đíp-lôm (Trung học đệ nhất cấp). Thời đó, Trung học đệ nhất cấp là một kỳ thi cực kỳ khó, chỉ đậu chừng 10%, thi tất cả các môn học, có cả vào vấn đáp. Ai đậu Pri-me (tiểu học) đã là “oai” rồi, đậu Đip-lôm thì “nhất”!
Vào Đệ thất Phan Bội Châu được mấy tháng, chưa kịp biết hết bạn bè thầy cô thì tôi đã phải rời trường, khăn gói theo gia đình về quê Lagi, Hàm Tân sinh sống. Lúc đó Hàm Tân là tỉnh lỵ của Bình Tuy, tỉnh mới được thành lập, tách khỏi Bình Thuận, trực thuộc Nam phần. Thế là bỏ trường bỏ lớp, xa thầy xa bạn. Tôi tiếc và buồn lắm. Nhưng không cách nào khác. Mãi 3 năm sau Bình Tuy mới có lớp đệ thất đầu tiên trong một nhà thờ, tôi mới đi học lại. Hồi lớp Nhất, tôi học ở Bạch Vân, trong chùa Bà Đức sanh hội. Hết học chùa nay tới học nhà thờ là vậy! Nhờ học nhảy mà tôi đuổi gần kịp bạn bè cùng thời.
Bây giờ mỗi lần về Phan Thiết, tôi thấy mình vẫn quyến luyến nhiều hơn với ngôi trường Phan Bội Châu nhỏ bé, xinh xắn, xưa cũ đó của mình- ngôi trường nằm trên đại lộ Trần Hưng Đạo- khi chưa dời về đường Nguyễn Hoàng (Lê Hồng Phong) ngày nay. 


Năm 2002, trường Phan Bội Châu kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Thầy Bình hiệu trưởng có mời tôi về nói chuyện với học sinh về “Tuổi mới lớn”. Dịp này trường có một cuộc triển lãm. Một quyển sổ cũ kỹ rất to gọi là Sổ Trước Sách ghi tên học sinh của trường từ lúc thành lập đến nay được trưng bày ở phòng truyền thống. Bạn ơi, có tên tôi trong đó đàng hoàng nhé! Anh Nguyễn Đình Tư (Tư Đình, nhà thơ Từ Thế Mộng, học sinh khóa đầu tiên, 1952) thấy tôi đứng nấn ná hoài bèn tìm cách photo gởi tặng tôi mấy trang.
Trong quyển Sổ Trước Sách của trường Phan Bội Châu lúc đó, tôi đứng số thứ tự 276. (Khóa tôi có 111 người vào đệ thất, từ số thứ tự 234 đến 345). Ở mục họ tên “Đỗ hồng Ngọc” – thời đó chữ lót viết không hoa- thấy ghi “ Ở lại đệ thất”, rồi lại có dấu đánh chéo, xóa tên. Tôi đoán lúc đầu chắc trường xét cho tôi ở lại lớp thôi nhưng lỗi “nghỉ lâu không xin phép” là quá nặng nên quyết định “xóa sổ” luôn! Mục năm sinh bạn thấy ghi 1942. Đó chỉ là “Thế vì khai sanh” thôi chớ tôi tuổi thiệt 1940. Thời chiến tranh, đa số trẻ con đi học trễ. Ở mục Lý lịch cũng ngộ: ghi con ông Đỗ đơn Trì, nghề: “chết” và bà Nghê thị Như, nghề: buôn bán. Thực ra cha tôi chết trong kháng chiến chống Pháp nhưng chỉ cần ghi nghề: “chết” , là đủ, không cần “ngày tháng nào? làm gì? ở đâu? ai biết?”… như kiểu bây giờ!


Bạn để ý địa chỉ: ở chùa Hải Nam, đường Trại cưa Phan Thiết (thuộc Đức Nghĩa). Gọi là đường Trại cưa vì ở đó có rất nhiều trại cưa dọc ven sông, chuyên xẻ gỗ cho người ta đóng thuyền cá. Tôi thường lang thang coi người ta đóng những chiếc thuyền khổng lồ ở đó. Đường Trại Cưa (nay là đường Trưng Nhị) dọc hữu ngạn sông Mương Mán (khu Trường Dục Thanh bây giờ), nơi có bến đò qua Chợ Gò bên kia sông, là nơi tôi thường qua lại để đến Nhà thương chữa bệnh. Nối tiếp đường Trưng Nhị, qua khỏi cầu, là đường Trưng Trắc, nơi có nhà những bạn bè tôi như Tải (Tâm), Quế, Tốt, Tươi…
Ở mục Ngày vào học thấy ghi: Đệ thất I, ngày 14/9/54. Ngày thôi học ghi: 30/11/55.
Tôi chưa học hết đệ thất, mới mấy tháng đã bỏ trường vậy mà trường vẫn “bảo lưu” danh sách học sinh cho tôi, mãi đến 30/11/55 mới chính thức xóa sổ.
Trong Lời phê của ông hiệu trưởng thấy ghi: “Khá, nhưng cần phải gắng học thêm”. Rồi trên đó lại có dòng chữ nhỏ hơn: “Xóa sổ vì nghỉ lâu không xin phép”- chắc là của người thư ký ghi sau khi có quyết định của hội đồng.


Trong quyển Sổ Trước Sách đó, mỗi học sinh có dán cái hình. Cười chết được. Mặt nào mặt nấy ngây ngô. Dễ thương làm sao! Mỗi người một vẻ. Con trai con gái. Ngộ nghỉnh. Tức cười. Cái hình tôi chụp ở Liên Hoa lúc 12 tuổi, mặc pyjama, đi guốc xuồng. Xanh lè, ốm nhom, suy dinh dưỡng nặng, cân được 25 kg ở nhà thuốc tây Phạm Tư Tề: mắt lồi (ốc bươu), mũi bự, tai vễnh, mặt quạu…!
Dù đã bị “xóa sổ”, bị… đuổi học gần 60 năm về trước tôi vẫn luôn coi mình là một “cựu học sinh” của trường, vẫn luôn tự hào đã từng là học sinh của Phan Bội Châu Phan Thiết ngay từ thuở ban sơ…
Năm nay trường kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, tôi chắc cũng sẽ ghé về thăm một chút để mong gặp lại cái anh chàng mắt lồi, mũi to, tai vễnh… như hôm nào kia, nơi vườn Luxambourg, có người trông thấy một cậu học trò nhỏ, tay đút túi quần, cặp sách trên vai, vừa đi vừa nhảy nhót như một chú chim sẻ…  

Je vais vous dire ce que me rappellent… le ciel agité de l’automne… les arbres qui fissonnent…
(Anatole France).
Thân mến, Đỗ Hồng Ngọc

Friday, October 13, 2017

Về Lagi, Phan Thiết - Đỗ Hồng Ngọc


Thư gởi bạn xa xôi (3)
Chờ đến hết Mùng (nghĩa là sau Mùng 10, hết Tết) mới dám về Lagi, Phan Thiết. Vậy mà khách sạn nào cũng đầy nghẹt!

IMG_2723 Ghé Lagi thăm nhà một chút đã. Căn nhà cấp 4 tuềnh toàng ngày xưa Mẹ ở vẫn còn đó dù đã quá xuống cấp. Mấy cây điều đã to. Cây mít đầy trái. Vườn chuối hột xum suê. Dừa sai. Giếng nước trong veo. Lần nào về cũng thấy thèm: “Đi về sao chẳng về đi/ Ruộng hoang vườn rậm còn chi không về…” (Đào Tiềm). Mà lần nào cũng vội vội vàng vàng. Tạt thăm chỗ này một chút chỗ kia một chút thôi. Ghé thăm gia đình anh Hai Phong (Lâm Hồng Phong), vừa mất ở tuổi 88. Anh là con cả của Cô Hai, hồi nhỏ dạy mình… Trăng mờ bên suối, Lửa rừng đêm, Gió mùa xuân tới, Xuân và tuổi trẻ, Quê hương, Ngày về , Dòng Anoma v.v… và những bài nhạc của Lưu Hữu Phước, Hoàng Quý… Anh làm nghề may, hiền như Bụt. Tết anh thường may cho mình một bộ pyjama rằn bận đi chơi. Rồi ghé qua thăm  gia đình Dì Hai, vốn ở ngôi nhà cũ của mình lúc mình còn phụ Mẹ bán hàng xén ở chợ Lagi. Dì Hai cũng vừa mất trước tết, 102 tuổi rồi còn gì.

Đi qua Ngảnh Tam Tân, nơi mộ cậu Ngư (nhà văn Nguiễn Ngu Í), ghé nhà 2 Lượm, nơi xưa mình từng đến chữa bệnh cho mấy nhóc. Mấy nhóc bây giờ đã là thầy giáo, thầy thuốc…
 Phan Thiết gió bấc ào ào. Se lạnh. Sóng lớn. “Đi giữa Saigon/ Phố nhà cao ngất/ Hoa nở rực vàng/ Mà không thấy Tết/ Một sáng về quê/ Chợt nghe gió bấc/ Ơ hay xuân về/ Vỡ òa ngực biếc” (DHN), nhớ không? Gió như muốn làm nghiêng cả lầu nước (Chateau d’eau)
Ghé Hoàng Công Bình trước hết. Thầy hiệu trưởng của trường Phan Bội Châu cả chục năm trời đã về hưu, vừa làm một Giai phẩm kỷ niệm 60 năm cho lớp của Bình. Bình vào Phan Bội Châu sau mình và Trần Vấn Lệ, Phan Đổng Lý, Huỳnh Tấn Thời, Phan Bá Thụy Dương… hai năm. Bình kêu về Phan Thiết phải ăn bánh tráng, măng kho, rau sống, củ kiệu… sau đó tráng miệng với cốm hộc và bánh rế mới đúng điệu. Bình nói dù ở Saigon anh cũng có đủ những món đó, nhưng đâu có nấu được với nước Phan Thiết phải không? Nước Phan Thiết, đầy calci nên răng Phan Thiết người nào cũng tốt nhớ chớ? Cô Dược sĩ Tường Vân hồi đó hơn 90 tuổi mà vẫn còn siết mía rào rào!
Mình cùng với thầy Bình và thầy Hoàng Triều đến thăm Ung Văn Ánh. Ánh vào đệ thất một lượt với bọn mình thuở đó (1954), học rất giỏi. Gặp nhau nhìn không ra. Hơn 60 năm rồi còn gì, sao nhớ nổi! Lâu lắm, mãi lần này mình mới có dịp gặp các bạn cũ.

IMG_pt 3 Bach van
IMG_pt 4 bv
Rồi về thăm lại trường Bạch Vân xưa, nằm trong đình Đức Thắng, nơi mình học lớp Nhất (lớp 5). Trường của cô Hồ thị Tiểu Sính (con cụ Hồ Tá Bang). Học thì với thầy Nguyễn Văn Lợi, thầy Nguyễn Văn Cung… Bùi ngùi nhìn lại trường xưa, lớp cũ với những chiếc cột to tròn ôm không xuể. Bạn bè còn mấy.

IMG_Pt 5 bv
Trên đường về Saigon, ghé qua Cam Bình. Bãi rộng, cát trắng mênh mông. Một chút Tết còn vươn lại. Rồi Hồ Cốc, giờ có điểm mới, thiên hạ chụp hình cưới đẹp ghê.

IMG_pt 8 ho coc
IMG_pt 9 hc
Về nhé. Giang hồ vặt một chuyến nhé.
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc.

http://www.dohongngoc.com/web/huom-huom/gia-oi-chao-ban/ve-lagi-phan-thiet/

Thursday, October 12, 2017

Để nhớ đến những người thầy nay không còn trẻ nữa.


Thơ cuối năm tặng ông giáo Ân bên Hoa Kỳ.

Buổi sáng nhâm nhi ly cà phê đen với những người bạn cũ.
Buổi chiều lai rai vài lon bia 333 bên hông chùa Ông.
Lương hưu nhà giáo thì không nhiều.
Nhưng nếu tiện tặn thì cũng đủ qua ngày.

Phương tiện di chuyển là một chiếc xe đạp Trung Quốc cũ.
Mỗi ngày đạp xe qua lại cầu Dục Thanh đôi ba lần.
Chở hết nổi buồn đổ xuống sông Cà Ty.

Thắm thoát tuổi đời đã hơn thất thập, cổ lai hy.
Nhìn lại đời mình, thấy nhẹ hơn chiếc lá cuối đông.
Chỉ mong một lần, được gặp lại cố nhân.
Uống ly cà phê đen, nhắc lại chuyện ngày xưa, khi tóc còn xanh.

Giáo Phẩm.

Saturday, October 7, 2017

Một Nơi Gọi Là Miền Của Hi Vọng - Cát Biển

Mảnh đất Hoa Kỳ có phải là một miền đất hứa hẹn cho những người tỵ nạn hay không? Câu hỏi từng đến với tôi năm 1975 vẫn còn vương vấn trong tôi hơn 30 năm qua.
Đất nước Hoa Kỳ đã cho tôi và những người tỵ nạn Việt Nam niềm sung sướng của một mảnh đất tạm dung, tức là một quê hương thứ hai, để khởi đầu từ những mất mát. Có khác chăng là ngày ấy tôi đang mang nỗi buồn trầm kha của 1 người da vàng nhược tiểu. Nỗi buồn bị mất nước còn in hằn trong tâm khảm tôi hình ảnh những xác người tìm tự do chết tức tưởi trên biển đông, thêm vào tâm trạng đắng cay cô độc của 1 con người vừa bị tước hết mọi tình bạn, thân quyến và các liên hệ, các ý nghĩa của cuộc đời, khiến những bước chân đơn điệu của tôi dọc trên con phố chính với nhiều cửa hàng ấy vang lên những âm thanh khô khan lạc lõng như gót chân của kẽ lữ hành trên sa mạc.
Người lữ hành đó đang mò mẫm đi tìm một điểm đến.
Sau hơn 30 năm câu trả lời tôi tìm được cho riêng mình cũng lại là một trong những yếu tố của hành trình đã giúp nước Mỹ tiến vượt lên với sắc thái của một quốc gia đa chủng.
Ngày xưa trước khi vào trường học môn toán Calculus khó ai có thể giải thích cho tôi hiểu rõ môn ấy bao gồm những phạm trù nào. Vì mọi ý niệm đều có vẽ lạ lùng và mới mẻ cả. Nhưng khi học xong rồi mình mới hiểu nhiều hơn phần nào cái hay và cái đẹp của các môn vi tích phân được dùng làm căn bản lượng định các hệ thống giá trị của vật chất. Điều mà tôi học được từ miền đất mới này là gương phấn đấu. Sau này tôi mới hiểu thêm, những di dân khác như Ý, Anh, Ái Nhỉ Lan, Trung Hoa v.v... khi mới đến Hoa Kỳ cũng đều mang 1 tâm trạng tương tự...
Miền đất mới này không bao giờ dâng mâm ngọc chờ sẵn hay hứa hẹn 1 tương lai vàng son nào cho ai cả. Nhưng nước Mỹ sẽ dành sẵn cơ hội cho những người biết vươn lên từ nghịch cảnh, biết phấn đấu để đạt đến thành công. Trong bóng đêm đen tối của quá khứ đau buồn, người tị nạn vẫn luôn tìm thấy lóe lên những tia sáng hi vọng là mầm mống đầy hứa hẹn của một tương lai cho những con người biết nhẫn nại và nuôi dưỡng nghị lực. Chính nghị lực là yếu tố then chốt nhất để đi đến thành công, và cũng có nghĩa là năng lực dẫn ta đến bến bờ hạnh phúc.
Chợt hiện về là hình ảnh của một thanh niên tị nạn trẻ với nhân dáng gầy mái tóc phủ tai, với đôi mắt đăm chiêu, một nụ cười khô khan không trọn vẹn, và một tâm sự ngổn ngang những nỗi niềm, bước những bước chân xa lạ bỡ ngỡ trên con phố Main Street của thành phố Wilkes-Barre, PA với tâm trạng buồn bã. Tuy nhiên, miền đất mới này như trải rộng một lời mời gọi rất chân thành và khoan dung. Nó thúc giục trong tôi một nghị lực phấn đấu để vươn lên mà tôi không tài nào cưỡng lại được. Tôi như lúc nào cũng nghe vang vọng bên tai một lời khuyên nhủ "Cố lên nhé... cố lên nhé... còn bao ước mơ cần phải được thành tựu... còn bao gương sáng mình phải noi theo... còn bao nhục nhã của dân tộc cần phải gột rửa... còn bao giọt nước mắt của dân Việt cần phải đền đáp..."
Tôi cố gìn giữ đóm ánh sáng của một ngọn nến bập bùng, dầu đôi khi có bị nghiêng ngả tròng trành trước những gió mưa giông bão của cuộc đời.
Tôi nhớ lời của vị thầy dạy học tôi thời niên thiếu, người đã mang tôi ra khỏi bóng tối của khờ dại và bước vào vùng ánh sáng của lý tưởng với lời khuyên còn vang vọng từ thuở bình minh của tâm hồn: "Các con hãy sống chân thành, sống đầy nghị lực, hãy đi tìm ý nghĩa của cuộc đời... và rồi hạnh phúc sẽ đến với con, với một niềm mãn nguyện"
Lời khuyên đó không vẽ giùm cho tôi một khái niệm rõ rệt gì trong ý tưởng phôi thai mới lớn của tôi về một phần thưởng quý giá nào đó của cuộc sống đang chờ sẵn. Lời khuyên đó chỉ như một ngón tay vạch cho tôi một hướng đi và nói, con hãy cứ đi tìm. Tuy nhiên, nó đánh thức cả cuộc đời tôi về một chuyến đi tìm. Thật có vẽ ngô nghê khi không thể nào tả được về chính điều mình đang tìm kiếm. Nhưng lời nhắc nhở về "điều gì đó" đang chờ tôi khám phá, chính là tác dụng của lời khuyên của vị thầy từ buổi tâm thức còn non nớt trong tôi.
Chiến tranh dài đăng đẳng bao năm từ những thế hệ trước khi tôi sinh ra đời, đã khiến niềm hi vọng của người Việt chỉ còn thu hẹp lại ở một mục đích nhỏ bé tầm thường là đạt được "sự sống còn" hoặc "làm thế nào để mang đủ miếng ăn về cho gia đình mình". Nhưng hình như xứ sở mới này còn dành sẵn một viễn tượng ấm no hơn, bớt thống khổ hơn, và ít bất công hơn cho mọi công dân dù mới hay cũ, dầu giàu sang hay nghèo tận.
Những khổ đau ban đầu khi được nung nấu bằng niềm căm hờn "phải làm cái gì đó với đời" cuối cùng chỉ còn là những cái đau xót rất nhỏ bé quá tầm thường như bị kiến cắn mà thôi, so với những bất hạnh của những đồng bào tôi, đã phải chết lặng lẽ đầy tức tưởi giữa biển Đông làm mồi cho cá mập, những người con gái mới lớn bị bọn hải tặc hãm hiếp quăng thây, hay những anh hùng vị quốc vong thân đem xác thân bảo vệ từng tấc đất cuối cùng của quê hương trước khi bị Cộng quân phương Bắc hành quyết...trong những trang sử đau thương bi hùng của dân tộc Việt.
Một hình ảnh tuyệt vời nhất của nước Mỹ đã làm tôi nhớ mãi là kỷ niệm về cô giáo dạy Anh ngữ Janet Jones.
Sau khi ra khỏi trại tỵ nạn Indiantown Gap, tiểu bang Pennsylvania, hình ảnh một cô gái mới hơn 20 tuổi đời vui vẻ, lịch sự, tận tâm với dáng thanh lịch, mũi cao, môi mọng xinh, mắt xanh lơ và bờ tóc óng vàng, lúc nào cũng ăn bận trẻ trung tươi mát của cô Janet Jones dạy tiếng Anh cho các người tỵ nạn Việt Nam chúng tôi qua chương trình cứu trợ, là một hình ảnh không thể nào quên.
Năm ấy tôi xấp xỉ tuổi cô, chỉ hơn cô vài tuổi. Khi các cô học trò khác trong lớp tò mò hỏi về cô, cô kể về gia đình sung túc của cô một cách bình thản không một ý khoa trương gì cả. Địa vị của gia đình cô làm cho tôi và các học viên khác có phần e dè trọng nể.
Janet kể cho chúng tôi trong lớp biết, cha cô là Giám Đốc một công ty may mặc nên ông phải xuất ngoại thường xuyên. Gia đình cô ngụ tại thành phố Mountain Top cách Wilkes-Barre khoảng 30 phút lái xe trên 1 ngọn đồi, là khu nhà biệt thự của giới thượng lưu. Cô theo học nội trú tại 1 đại học thuộc thành phố Lewisburg. Mùa hè năm đó cô về thăm gia đình, nhân tiện nhận dạy thêm môn Anh ngữ để tìm hiểu thêm về người tị nạn Việt Nam mới sang định cư. Trong cung cách dạy chúng tôi tại lớp, cô Janet luôn luôn nở một nụ cười ân cần và kiên nhẫn cho dù phải lập đi lập lại cách phát âm, vì chúng tôi luôn cứ đánh lưỡi sai bét, nhất là khi gặp những chữ cực kỳ khó khăn đến nỗi làm chính mình phải ngượng nghịu trong lần đầu chúng tôi phải tập đọc như: girl, oil, dirty, beach v.v...
Phong cách của cô giáo trẻ Janet chính là một hình ảnh bao dung, nhưng rất công bằng. Nếu chúng tôi có điều gì chỉ trích gần xa đất nước Hoa Kỳ, do lòng buồn thảm và một tâm lý bị người đồng minh bỏ rơi, Janet luôn luôn dịu dàng phân tích vấn đề và rồi đặt câu hỏi: "Nếu địa vị các bạn, thì các bạn sẽ nghỉ thế nào, các bạn sẽ làm sao..." và rồi chúng tôi tự tìm thấy câu trả lời với sự thông cảm hơn từ quan điểm của quốc gia Mỹ. Nói chung, cô ấy không bao giờ dùng ác cảm hoặc thành kiến để dành lẽ phải về phần cô ấy. Bao dung, nhưng rất công bằng. Và nụ cười vị tha, cùng hình ảnh trong sáng nơi cô đã mang về giữa những tuyệt vọng đau buồn của tâm hồn người tị nạn trong tôi một hình ảnh đẹp của nước Hoa Kỳ.
Thành phố Wilkes-Barre như một thiên đường hạ giới với các đường phố, xa lộ, siêu thị, cảnh sát...rất bình lặng, khang trang và hiền hòa, làm tôi quên hẳn tiếng đạn bom mà tôi từng đã quen tai.
Từ những buổi học Anh ngữ trong chương trình thiện nguyện đó, ước vọng được trở lại đi học Đại Học được manh nha và trở thành ngọn lửa khát vọng to lớn nhất thiêu đốt trong tôi kể cả những khi tôi làm công việc nặng nhọc trong hãng sản xuất đồ chơi nhựa với giá lương $2.15/giờ mà tay tôi cứ bị chai phồng vì tiếp xúc chất nhựa mới ra khuôn còn rất nóng, hoặc khi tôi được sự tiến cử của Mục Sư Phillips dời qua thành phố Allentown làm việc lam lũ trong 1 hãng dệt với số lương khá cao lúc ấy, $3.50/giờ, đủ để có một nếp sống ổn định, trả tiền mướn apartment, ăn uống, và còn cất dư lại ít tiền hằng tháng.
Do lời khuyên của một người bạn, tôi tập trung mọi can đảm đến gặp vị Dean of Admission của trường Đại Học Wilkes. Vị Dean này mới ngoài 40 tuổi, rất cởi mở và tận tâm khi gặp tôi. Ông kể rằng tất cả sinh viên Việt du học tại trường này đều rất giỏi, được bảng Danh Dự (Dean's List) hằng năm cả! Tôi rất ngại ngùng vì ông ta quên rằng tôi là người Việt tị nạn, chứ không thể nào so bì với các học sinh ưu hạng kia được. Nhưng nhờ vào sự tin tưởng ấy của ông mà sau khi tính hết tất cả các khoản học bổng ông có thể xin được cho tôi, cuối cùng ông cho biết khoản học phí rất cao của tôi có cơ hội sẽ được thanh thỏa đầy đủ!
Sau khi rời trường hôm đó, tôi hân hoan bước những bước thật nhanh về nhà lòng tràn trề một niềm hi vọng, rồi hằng ngày cứ mong đợi lá thư nhận học của trường... và ba tuần sau, tôi sung sướng và cảm động biết bao khi nhận được 1 lá thư có in dấu hiệu trường Wilkes lịch sự ngoài phong bì chuyển đến phố Allentown nơi tôi đang làm thơ dệt cực nhọc ca khuya (graveyard shift). Lá thư gọn ghẽ và lịch sự ấy cho biết đơn xin nhập học của tôi đã được Trường chấp thuận.
Tôi đọc lá thư xong, nằm lăn ra giường với những hân hoan mừng tủi và lịm người đi trong giấc mơ... Sáng hôm sau, khi tôi trình bày quyết định sẽ bỏ công việc tại hãng dệt với số lương lúc ấy đã được tăng lên thành $3.75/giờ (khá cao thời 1975, so với các việc làm khác chỉ khoảng chừng $2.75/giờ), thì Mục Sư Phillips có vẽ không đồng ý. Ông ấy cứ khuyên tôi mấy lần "nên suy nghĩ thật kỹ lại... vì chưa chắc học xong là có thể có 1 công việc tốt.. vì việc làm này không dễ kiếm..." Nhưng khát vọng được đi học lại là một cái gì chiếm ngự trọn vẹn tâm hồn tôi mà không một mãnh lực nào có thể cản được. Tôi nói: "Tiền bạc và công việc không còn là những gì quan trọng nhất đối với tôi nữa, chỉ còn sự ham muốn được đi học, và tôi sẽ sẵn sàng làm bất cứ việc làm gì có thể để tự sinh nhai qua 4 năm theo học Đại Học..." Đó là lần đầu tiên tôi có quyết định ngược lại với ý muốn của người ân nhân khả kính, người mà lúc nào cũng biểu lộ sự quan tâm cho đời sống của tôi.
Buổi tối hôm ấy tôi nằm miệt mài trên giường, cứ đọc đi đọc lại lá thư rất ngắn ấy của trường Đại Học Wilkes... tôi mong thời giờ trôi nhanh cho đến tháng 9 để tôi về nhập học... rồi bao nhiêu hình ảnh của các người thân vẫn còn ở lại Việt Nam, bao nhiêu đồng đội và bạn bè giờ đã lạc phương nào biệt vô âm tín, tâm trạng buồn bã tuyệt vọng ngày rời trại Orote Point ở Guam cùng làn sóng người Việt tị nạn chia ra đi về những phương trời vô định...
Nhớ làm sau những nét lo âu phân vân rối bời của những anh em lưỡng lự phút giây đi ở sống còn vì người thân còn kẹt lại ở quê nhà...nước mắt tôi nhòa ra mờ hết mọi cảnh tượng chung quanh... và tôi khóc tức tưởi đến ướt đẫm cả chiếc gối... Bao nhiêu chất chứa giờ đã thành 1 dòng sông thoát đi được phần nào nỗi ưu phiền... tôi không ngờ chính mình mình sung sướng vì đã khóc được! Như vậy tôi không quá khô cằn, tôi vẫn còn tình người, và tôi còn khóc được. Sau này tôi chợt cảm thông làm sao cho những giọt lệ khô cằn thành sẹo của những người bị giam cầm trong các trại cải tạo, nơi mà chính loài người cũng bị cấm không được phép khóc trong đau khổ để thấy mình vẫn còn có cảm xúc của một con người.
Thế rồi ngày tựu trường cũng đến. Bao nhiêu mong đợi, bao nhiêu hi vọng, bao nhiêu ước mơ cùng thành tựu trong một ngày. Tôi bỏ hết mọi thứ để dọn về lại Wilkes-Barre. Ngày nhập học sinh viên Mỹ nào cũng có gia đình thân nhân đi tham quan từng phòng ốc từng chỗ ăn chỗ ngủ. Ai ai cũng hân hoan phấn khởi trước những bài diễn văn chào đón nồng nàn đầy kỳ vọng cho một thế hệ sinh viên mới đang chuẩn bị dấn thân với sách đèn. Tôi chỉ riêng mình, cô độc. Tự phấn đấu bằng bản thân mình.
Mỗi lục cá nguyệt thông thường các sinh viên ghi danh với 12 credits. Các học sinh chịu khó hơn thì ghi danh khoảng 14 đến 18 credits. Trên 18 credits, sinh viên cần phải xin phép vị Khoa Trưởng ký giầy chấp thuận thì mới được ghi danh.
Khóa học năm đó tôi ghi danh 14 credits. Tôi may mắn đem theo được một quyển tự điển Việt-Anh loại bỏ túi lúc rời Việt Nam. Mỗi tối tôi sử dụng nó đến nhàu nát cả từng trang giấy ngả màu vàng. Lục cá nguyệt sau đó các bạn cùng lớp Kỹ Sư Điện có phần ngạc nhiên khi thấy tôi ghi danh 18 credits.
Đến năm thứ Ba, theo đà bận rộn không ngừng nghỉ, tôi ghi danh 24 credits, vừa dạy kèm Toán bên phân khoa Toán, vừa dạy Toán trong chương trình Upward Bound, vừa tình nguyện hiến giờ kèm thêm cho các học sinh trung học thiếu căn bản tại trung tâm YMCA khiến vị Khoa Trưởng rất ngạc nhiên và lo ngại vì sợ tôi không kham nổi một lịch trình quá nặng. Vậy mà khi lên năm thứ Tư tôi vẫn còn nhận thêm 1 job nữa là làm Teaching Assistant (phụ khảo) trong phòng thí nghiệm phân khoa Điện.
Khi chấm bài các sinh viên lớp dưới tôi nhận xét 1 điều là có một số sinh viên Mỹ rất thông minh và phân tích các kết quả trong phòng thí nghiệm thật mạch lạc và tỉ mỉ. Những sinh viên này trình bày các phúc trình của họ rất gọn gàng với luận cứ bén nhậy và đầy tính thuyết phục. Các sinh viên Việt Nam lớp dưới đa số rất giỏi Toán và học rất xuất sắc vào các năm đầu. Lên năm thứ Tư, các bài vở có phần trừu tượng hơn, đòi hỏi nhiều phân tích, suy diễn và quy nạp. Đấy là những lớp mà chỉ các sinh viên dĩnh ngộ mới có cơ hội chiếu sáng tài năng của họ với các bạn cùng lớp.
Cuối năm đó tôi được 14 hãng mời đi interview. Lịch trình máy bay của tôi đi interview khá bận rộn. May mắn là mọi chi phí ăn ở vé máy bay đều được các hãng đài thọ cả, vì bản thân tôi vẫn không có đến một trăm bạc.
Năm 1980 ngành dầu hỏa có sức mạnh ảnh hưởng kinh tế nhất vì giá dầu bắt đầu tăng cao. Sau những chuyến đi thăm, cuối cùng tôi nhận lời làm việc cho hãng Exxon Production Research tại Houston TX vì họ trả lương hậu hĩnh nhất so với các lương mời của các hãng khác. Và tiếng vọng bên tai vẫn không ngừng nhắc nhở "...hãy đi tìm... hãy cố gắng tìm... và mãn nguyện sẽ đến với con..."
Từ đó tôi theo dòng đời bận rộn miệt mài. Từ khi tốt nghiệp kỹ sư rồi đi nhận việc làm tại Houston TX, rồi di chuyển sang Nam California làm việc với McDonnell Douglas, Boeing, đến nay đã hơn 30 năm, tôi thất lạc không còn tìm được chi tiết về Mục Sư Phillips nữa. Nhưng tôi còn 1 kỷ niệm đáng nhớ nhất về ông. Đó là khi ông hướng dẫn tôi và 3 người Việt tị nạn khác đi thăm New York City với khu Rockefeller Center, Empire State Building, và cho tôi một ánh nhìn đầy ngưỡng mộ trìu mến về tượng Nữ Thần Tự Do hùng vĩ... chuyến đi đó đã ăn sâu vào tâm khảm tôi những giá trị về ý nghĩa của hai chữ Tự Do, bằng những hình ảnh to tát, cao cả và thâm thúy nhất mà chỉ có thể cảm nhận được từ con tim của 1 người tị nạn.
Vị Mục Sư ấy đã giúp tôi có được một đời sống ổn định những ngày bơ vơ ban đầu. Cũng vì lòng khao khát và nghị lực phấn đấu, tôi muốn chứng tỏ một người Việt tị nạn tầm thường như tôi còn có thể làm được 1 điều gì đó không tầm thường cho cuộc đời còn lại của mình, nên tôi bất chấp những gì đang có để dấn thân vào tương lai với ít nhiều liều lĩnh.
Những lời nhắn nhủ của vị thầy vẫn về nhắc nhở trong tôi. Điều gì ở cuộc đời sẽ làm tôi mãn nguyện? Tôi đã từng thành lập một Công ty Computer năm 1987 và đã từng có lần đánh giá thành công qua những mức độ vật chất như nét hào nhoáng của chiếc xe mình lái, tầm lớn của cao ốc mình làm chủ, hay bán kính và độ dầy những viên kim cương... tiếc thay những giá trị vật chất đó đến rồi đi... Còn lại niềm mãn nguyện chăng có lẽ là ý niệm về một sự phấn đầu. Rằng mình đón nhận quả chanh từ số phận và đã vắt chất nước chua ấy tạo nên một ly đá chanh. Rằng mình đã vượt qua được một số thử thách nghiệt ngã của cuộc đời. Rằng mình chấp nhận cuộc đời bất chấp sự kém toàn thiện của nó, để luôn giữ vững niềm tin mà đi tới. Vì ngày mai hiển nhiên mặt trời sẽ vẫn còn ló dạng ở Phương Đông.
Có một câu nói rằng: "How much you get out of life depends on how much you put into it", tạm dịch là "Mức độ bạn nhận được bao nhiêu từ cuộc đời này lệ thuộc vào mức đóng góp của bạn vào nó"... Nước Mỹ không thể xem là hoàn hảo, nhưng nó cho người tị nạn cơ hội để họ có thể phấn đấu và cuối cùng tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Tôi bước đi một cách bình thản giữa những ồn ào và náo nhiệt. Tôi học hỏi sự bao dung và công bằng từ cô Janet. Tôi trân quý lòng quan tâm mà Mục Sư Phillips đã dành cho một người tỵ nạn như tôi. Nhưng có lẽ chuyến viếng thăm New York là một kỳ tích đã để lại một ấn tượng sâu đậm nhất cho cả cuộc đời tôi. Nó cho phép tôi bước lại trên những dấu chân của những giống dân tị nạn khác đã từng đến nước Mỹ trước chúng ta. Đó là ý nghĩa về một lý tưởng Tự Do. Ý niệm đó từng làm tôi khóc sau biến cố Sept 11, 2001.
Cũng vì những giá trị khai phóng đó mà tôi luôn theo dõi các phi thuyền Con Thoi của Mỹ khi nó bay ra ngoài khí quyển làm những công tác đặc biệt rồi lại trở về an toàn trên quả đất. Đôi khi những phi thuyền đó và các Phi Hành Đoàn phải trả giá bằng cái chết bi hùng của chính họ. Nhưng nước Mỹ, một quốc gia luôn tự hào về tính chất đa văn hóa, đa chủng tộc, luôn luôn tự chọn cho mình những sứ mang không tầm thường. Và tôi tự hỏi, hay là nước Mỹ cũng đang thực hành lời khuyên của vị thầy xưa của tôi? Có phải chăng nước Mỹ luôn đi tìm điều gì đó để làm cuộc đời này có ý nghĩa?
Ngày mai khi vầng thái dương bắt đầu ló dạng, các bạn hãy làm một điều gì đó cho cuộc đời. Hãy biến mỗi ngày mới của bạn thành một ngày thật đầy ý nghĩa.

CÁT BIỂN

Friday, October 6, 2017

PBC Hội Ngộ 2012 Nam California Videos

PBC Hội Ngộ 2012 Nam Calofornia 7/7/2012 Phần Tiếp Tân Video Phần 1 Video Phần 2 Video Phần 3 Video Phần 4 Xa Trường PBC72 Hội Ngộ tại Phan Thiết

Thursday, October 5, 2017

Một Thời Bên Phố - Cát Biển

Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu

(Thôi Hiệu)

Thế giới đang chuyển mình bước vào một thiên niên kỷ mới. Giữa nhịp sống dồn dập với bao nhiêu phát minh mới của khoa học, bao nhiêu đổi thay kinh tế nhằm cải tiến nếp sống con người, ai đó vẫn còn đang dừng lại ngóng tìm bóng dáng quê hương như lời thơ của Thôi Hiệu mà đã được Vũ Hoàng Chương gửi gấm nỗi tâm sự miên man trong lời kêu ai oán cuối quãng đời người thi sĩ: "Gần xa chiều xuống đâu quê quán? Chớ giục cơn sầu nữa sóng ơi"...

Có những hình ảnh nào đó đã ghi khắc sâu đậm trong tâm tư mà mình không thể nào quên được. Những kỷ niệm thân thương như mảnh lụa nhung êm ả quấn quyện vào tâm khảm, chiếm một chổ dịu dàng yêu dấu nhất của ký ức con người mà ta mang theo cả cuộc đời để thương và để nhớ...

Vào khoảng cuối thập niên 50, một biến cố đáng kể đến với gia đình chúng tôi. Chúng tôi phải dọn khỏi phố vườn bông (được gọi là "bùng binh") Phan Thiết trên đường Lê Văn Duyệt, bỏ lại đằng sau mớ kỷ niệm đáng yêu. Bao nhiêu hình ảnh thân thương với các bạn bè nhỏ bé của tuổi ấu thơ, với các chị và 2 cô em gái chúng tôi tại căn nhà ấy, tức là tiệm may Phan Sinh kế bên nhà hàng Nam Thạnh Lầu (mà mọi người vẫn gọi là "quán Hai Mọi", cách vài căn từ tiệm may Mai Xuân Trượng), bỗng nhiên trở thành quá khứ. Một cái gì hụt hẫng trống vắng xâm chiếm cả tâm hồn ngây thơ khờ dại trong tôi... Thời gian sau, khi tôi có dịp trở lại căn nhà củ lần đầu tiên, tôi thấy mình là một kẽ xa lạ đứng ngỡ ngàng bên lề đường, nhìn thoáng vội vã vào bên trong căn nhà củ như sợ ai bắt gặp. Căn nhà thân yêu đó, bây giờ được mang tên mới là tiệm Huê Lợi với các thùng đinh ốc và vật liệu xây cất trông thật kỳ lạ được bày bán từ trong ra ngoài. Các dấu vết thân yêu các tiếng cười tiếng ca xưa không còn nữa, dầu nắng chiều vàng mềm mại vẫn còn lung linh từ mái hiên khu hàng xóm củ. Hương thơm từ không gian cao như đã ngừng rơi đâu đó...Những ấn tượng thời niên thiếu ấy đã theo dòng đời trôi vào quên lãng từ hơn 40 năm qua. So ra, nó chỉ là một phần gì rất khiêm nhượng, quá tầm thường, thật nhỏ bé, so sánh với những mất mát đau thương nghiệt ngã, những đòn thù mà con người VN đã phải hứng chịu sau 1975. Nhưng đống tro tàn kỷ niệm ấy phải chăng chỉ là lớp khoác che đậy những tâm tư vẫn còn âm ỉ cháy trong lòng kẽ tha hương, chỉ chờ ai đó khơi lại để trôi về, như người xưa ngóng đợi một mình bên bờ sông vắng vì ai đó đã lỗi hẹn...

Vào những tháng ngày thơ ấu trong trí nhớ non kém mà tôi còn có thể hình dung được, cả phố Phan Thiết bình dị vừa chứng kiến nhiều dâu bể đổi thay trong nước. Vua Bảo Đại xuống, Ngô Đình Diệm lên thay, sau một cuộc bầu cử "trưng cầu dân ý". Tân Tổng Thống Ngô Đình Diệm là người từng giữ chức Tuần Vũ Bình Thuận lúc mới tròn 21 tuổi, một chức vụ tương tự như Tỉnh Trưởng sau này. (Sau cuộc đảo chánh năm 1963, giấy khai tử của ông có kê khai chức vụ của ông là "Tuần Vũ Bình Thuận" chứ không phải là "Tổng Thống VNCH"). Đồng bạc mới VN thời đó đó có giá trị đáng kể. Chỉ cần hai cắc bạc chúng tôi có thể mua được cả một rổ ốc ruốc về để chị em chúng tôi "lể" ăn mệt nghỉ. Tôi nhớ lúc chánh phủ mới vừa cho lưu hành tiền mới, tôi cầm đồng bạc mới do má cho, đi mua món trái cây trị giá năm cắc. Bà bán hàng không thối lại năm cắc mà lại bà xé đôi đồng bạc giấy trả cho tôi một nữa vừa được xé ra! Trong hoang mang tôi về kể với các chị và ba má, thì mới hiểu lúc đó tân chính phủ vừa nhậm chức chưa có tiền cắc mới để cho lưu hành.

Dạo ấy MTGPMN vẫn còn trong trứng nước, chưa được Đảng CS Bắc Việt cho chính thức ra đời, nên các tuyến đường xe đò và các chuyến xe lửa đi Sài Gòn hoặc ra Nha Trang chưa bị phá hoại, vẫn còn lưu hành thông suốt. Thành phố hiền hoà quê tôi được hưởng vài năm yên lành trước khi thực sự chứng kiến những thãm cảnh của chiến tranh làm tan đi mất những hi vọng về hoà bình của người dân trong phố. Thời gian ấy tôi được may mắn theo ba tôi mấy chuyến đi Sài Gòn bằng xe lửa. Xe khởi hành rời ga Phan Thiết khoảng chừng sập tối, mình có thể ngủ một giấc cho đến khi xe ghé các trạm khuya thức dậy ăn cháo gà, rồi đến cổng ga Sài Gòn (công trường Quách Thị Trang sau này) với một không khí hấp dẫn thật khác lạ do các tiếng xích lô máy nổ bình bịch, dù lúc trời chỉ vừa tờ mờ rựng sáng. Thành phố Phan Thiết bình dị trong các năm có thể nói là thanh bình ấy thật đáng yêu với các phiên chợ Tết nhộn nhịp, và khắp phố phường dấu vết của hạnh phúc thấp thoáng ló dạng đâu đây. Ba tôi không còn đi lưu diễn với đoàn hát nữa, về lại Phan Thiết lập nghiệp với tiệm may Phan Sinh. Tuy nhiên các diễn viên củ trong đoàn hát như cô Út, chú Tao Ngộ, chú Võ, v.v... vẫn ghé thăm nhà tôi để cùng đờn ca xướng hát các bài bản ưng ý của thời đi lưu diễn. Thỉnh thoảng ba tôi vẫn ngân nga những bài ca xưa, cả những khi ông đang cắt vải thoăn thoắt theo đường phấn kẻ màu xanh với chiếc kéo cắt thật bén và lớn, hoặc lúc chân đang đạp đều nhịp chiếc máy may với đôi tay ông lèo lái các đường vải. Các máy may khác trong nhà chạy đều theo nhịp đạp của các thợ chính, thợ phụ, hoặc các anh còn đang tập sự. Các anh thợ thanh niên thì dạn dĩ hay ca góp vui nối tiếp theo ba tôi, hoặc có người ra câu đố, hoặc kể chuyện vui. Các người giúp việc đôi khi cũng trở thành đề tài cho các thanh niên giỡn phá. Các chị thợ thường chỉ phụ đơm khuy và kết nút, tham gia cuộc vui một cách kín đáo hơn bằng các tiếng cười dòn. Chị Sáu thường bị các anh thợ chiếu cố trêu ghẹo suốt ngày vì chị có nét xinh ở tuổi dậy thì. Sau giờ làm việc, các anh chị vẫn còn tiếp tục kể chuyện vui hoặc đờn ca, có khi còn ngũ lại đêm trong 1 phòng lầu dưới. Mé sau căn nhà, trên lầu trên có một bức tường bằng gạch, được xây hơi kiểu cọ, chừa khuyết một vòng tròn khá lớn như vầng trăng khiến cho người trong nhà có thể nhìn được ra sân thượng ở mé sau. Chị cả của chúng tôi, chị Hoàng Anh, thường leo ngồi vào vòng trăng đó, thả chân đong đưa vừa ca các bài như Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to... Dạo ấy chị Anh đã là 1 thiếu nữ cao và thon gầy trong chiếc áo dài trắng. Trong khi chị Hoàng Minh (tức chị Nam) vẫn còn học trường Nữ bậc tiểu học, chị Anh đã vào học trường Phan Bội Châu, được ba má tôi mua cho một chiếc xe đạp mà lúc nào chị cũng giữ bóng loáng. (Lúc sau, theo phong trào Velo Solex, chị cũng có 1 chiếc Velo thay cho xe đạp). Chị theo sát ba tôi từ những dịp đi lưu diễn hay cả những lúc ba đi đá banh bên Sân Vận Động. Các cầu thủ đá banh mặc quần shọt, áo may ô và mang giầy đinh. Có lần trên sân banh, khi chị Anh đang giữ áo quần của ba tôi vừa thay ra, một thanh niên đến nói với chị là "Ba của cô kêu tôi đến nhờ cô đưa quần áo cho ổng thay"... Chị Anh bèn đưa hết quần áo, có cả bóp và tiền bạc. Đến khi ba tôi đá banh xong, trở lại lấy quần áo đi thay, mới biết chị Anh đã bị kẽ lạ gạt lấy hết quần áo giấy tờ. Em Hoàng Yến kế tôi hãy còn bé chưa đi học, và em Thanh Hà chỉ mới chập chững biết đi. Trong các bài ca mà tôi nghe ba tôi ca, có một bài với lời thật ngộ nghĩnh khiến tôi theo hỏi và được ba cho biết là do bác Trúc Viên Trương Gia Kỳ Sanh sáng tác, thời bác còn làm bầu gánh hát - thời thật xa xưa trước khi bác trở thành Dân Biểu. Bài hát này các chị em chúng tôi sau này đều thuộc lòng (và trở thành bài ca chung trong những dịp vui mỗi khi gia đình hội ngộ):
Mau vô trỏng, cúi đầu thưa với ổng
Rằng tôi đợi ngoài cổng
Rồi trở ra mau nói, để cho tôi thăm hỏi
Kẻo chờ lâu cẳng mỏi
Ông quan ấy thân với tôi lắm đấy
Tôi với ổng họ Trình
Trình ấy làm Quan
Còn Trình này thì bán quán giữa rừng "hoang"
Quán với Quan cũng gần
Quan với Quán một vần
Vì Trình ấy tuổi Dần có phần quan lớn
Còn Trình này tuổi Tý con chuột con, ở đầu non, nhưng mà ngon...

Những lúc cả nhà theo tiếng đờn của cha tôi quây quần ca hát, mẹ tôi thỉnh thoảng cũng ca góp một bài với lời lẽ thật xa xưa "Dạ dạ dập đầu ... Thưa chuyện với chị dâu ..." Có một bài ca rất dài mà lủ chúng tôi rất thích nghe giọng của Ba ca với những hơi ngân, những nhịp ngắt với tiếng song lang gỏ nhịp tài tình của điệu Xàng Xê, hoặc khúc lái ngân nga lên xuống giọng thật đặc biệt, khiến cho người nghe cảm thấy như có một làn mây ấm cúng nào đó đang vây quyện khắp không gian:

Hậu đô Bắc Hà,
Vào triều Lê Cảnh Hưng năm thứ 46,
Hân hạnh được cung nghinh Đức Bình Bắc Tướng Quân Nguyễn Huệ
Thống lãnh đại đội binh hùng
Hát khúc khải hoàn vào cổ luỹ Thăng Long
Sau khi bình giặc đã thành công
Nhưng vì thấy Lê Trịnh tranh hùng muôn dân đồ thán
Cho nên Nguyễn Tướng Quân phải diệt Trịnh phù Lê
Tảo trừ bọn Trịnh tư quyền là Trịnh Tứ Phương
Hạ thành sơn nam
Mới thấu nhập kinh đô vào Nam giao đài bái mạng vua Lê Hiến Tôn
Vì mộ tài danh viên dũng tướng thiếu niên anh hùng lỗi lạc
Chắc có lẽ sau này phải nhờ quyền bảo hộ của Tây Sơn
Thế cho nên Hiến Tôn Hoàng Đế mới định gả trung thần
Là lịnh ái nữ Công Chúa Ngọc Hân
Kịp đến n ngày mồng 3 tháng 8 năm Bính Ngọ
Vua Thái Đức nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc ngự ra Bắc Hà
Bèn cùng tân quân Lê Chiêu Thống thừa nghinh trọng rất là uy nghi
Phán rằng "Từ khi phụ thân trẫm đây thất lộc
Trẫm lên kế tự ngôi trời
Đồ lao cộng tác với bá quan
Trẫm những mong rằng trăm họ được bình an
Nhưng Trẫm vẫn biết rằng tuổi Trẫm còn thiếu niên
Mà việc triều đình quá ư to tát
Bởi thế cho nên mà vận mạng của Lê triều
Chẵng may mà gặp cơn nguy biến
Trẫm chỉ nhờ lượng hải hà và ơn tư trợ
Của Tây Sơn quân
Lấy đức bủa khắp bốn phương
..................................................

Sau những quãng đời khó khăn vật vã truân chuyên với cuộc sống từ những ngày Tây về ruồng bố bắt dân, rồi chuyến lưu lạc sang tận Cam Bốt học may, cha mẹ chúng tôi vừa mới bắt đầu gầy dựng được một cửa tiệm may để sinh nhai với những điều tạm gọi là yên ổn của mái ấm gia đình, tuy đơn sơ nhưng tràn đầy hạnh phúc. Bỗng nhiên một hôm cần tiền, người chủ căn phố nhà chúng tôi đang ở trở về lại Phan Thiết và quyết định bán căn nhà thật gấp, chứ không cho gia đình tôi thuê nữa, mặc dầu thời hạn thuê mướn vẫn còn và công việc làm ăn của ba tôi đang đà phạt đạt. Vì giá bán căn phố quá cao cha mẹ tôi không đủ tiền để chồng mua căn phố ấy, gia đình chúng tôi đành phải quyết định dọn đi.
Trong khi chờ đợi dọn về căn nhà mới xây trước ấp Đức Nghỉa, gia đình chúng tôi về ở tạm khu Cồn Chà, nơi mà tâm trí nhỏ bé trong tôi có cảm tưởng cách xa khu nhà bên phố củ hằng diệu vợi, như thuộc về một không gian nào xa cách hẳn... Nơi chỗ mới xa lạ chúng tôi phải đi bằng xe đạp hoặc được Ba chở bằng xe gắn máy Sach thì mới về được đến phố Gia Long . Dầu chỉ ở mấy tháng, chúng tôi cũng đã có dịp nhìn thấy trực tiếp nếp sinh hoạt thay đổi của các bạn ghe mà nếp sống được gắn liền với các vụ cá...từ những lễ lộc của "Vạn", lễ cúng tế khi có cá ông "lỵ", những mùa cá rộ, mọi người bạn cá khắp xóm đều thắp đèn ra đường hì hục làm muối, vô thùng, hàn xì, khiêng vác, rầm rộ thâu đêm không ai mà không bận bịu làm lụng. Có cảnh tượng của một gia đình hàng xóm bên kia đường, đối với chúng tôi thật lạ lùng lẫn thương tâm. Gia đình ấy có một người cha say sưa liên miên. Họ có 2 người con trai, người con lớn đã lên 17 tuổi . Mỗi lần say sưa, người cha về đánh đập vợ con, nhất là cậu con cả. Ông ta lột hết quần áo người con lớn, lôi anh ta trần trùng trục ra giữa đường quất roi tơi tả bất kể nơi nào trên thân thể trước sự chứng kiến của đám người lớn nhỏ trong xóm tò mò đến xem...Sau mấy lần tiếp diễn cảnh đánh đập tàn bạo ấy, người con lớn vì nhục nhã, một hôm bỏ nhà đi biền biệt. Buổi tối khu cồn chà người ta có thể nghe văng vẳng tiếng biển vỗ rạt rào vòng vọng thật buồn hiu với những đèn đường héo hắt vàng vọt và mùi đất biển thoảng tanh mùi cá, thật khác với phố Lê Văn Duyệt nhộn nhịp mà tôi đã quen thuộc.

Những cảnh khá xa lạ đối với quãng đời nhỏ bé ngây thơ ấy khiến tôi nhớ và thương làm sao những ngày bên phố. Nhớ các bạn học tí hon lũ chúng tôi trường Bác Giáo Nhiều, kể cả những lần bắn "bì" (tức là giấy quấn thật cứng chắc, gập đôi lại để bắn bằng dây thun) với nhóm anh em Thuận và Hưng tiệm vàng Mỹ Quang (mà chị Tuyết Mai của tụi nó là bạn học thân với chị Anh của tôi và sau này làm phù dâu cho chị), những trò chơi "phóng bút" (dùng đầu sắt của cây viết mực chấm từng mắt cá tay và phóng ghim vào ụ cát) với các trẻ con hàng xóm. Thương những chiều nắng rọi nghiêng nghiêng từ mé nhà hàng Kim Sơn ngồi trước nhà nhìn sang công viên trước mặt chờ mẹ đi chợ về với chút quà, thương mùi thơm bánh mì Nghi Hưng mới ra lò nóng hổi được các trẻ em đi rao bán, thương những ly "siủ phé" ba và các tay mê đá banh như chú Bảy Đài, chú Buộc (sau này vì bất cẩn trong lúc đổ chì, chú bị mù 1 mắt), chú Tí Hoan, v.v... quây quần ngồi uống bàn bạc sau những trận đá từ sân banh về, hay thương mùi nem nướng và mùi bánh xèo thơm ngào ngạt từ quầy bánh xèo cố hữu của gia đình chị Quyệt, một người bạn thật dịu hiền của chị Nam (ba má chị đặt tên chị là Nguyệt, nhưng khi làm giấy tờ bị đánh vần sai đi, trở thành "Quyệt" ) bên hông tiệm vàng Đạt Thành mé tiệm Kim Sơn mà tôi tin vẫn là chỗ ăn nem nướng và bánh xèo ngon nhất...mà có lẽ ấn tượng đó sẽ còn mãi cho đến suốt cuộc đời.

Khu vườn bông dưới dốc cầu điểm Thiết trước căn nhà thân yêu ấy nơi tôi lớn lên đã là địa điểm chính của bao biến cố vui buồn của người dân tỉnh lỵ ... Khoảng trống rộng lớn từ phía bên nay là tiệm may Phan Sinh nhà tôi, đối diện bên kia đường là các tiệm Tân Lập, Lê Chính Ngữ bán xe đạp, và tiệm nước Nam Nhất Viên... sang góc xéo là quán nước Tân Phương Viên... và bên kia đường là tiệm vàng Đạt Thành đầu phố Gia Long... là một mặt bằng tráng nhựa khá lớn mà ta có cãm tưởng có công dụng tương tự như quãng trường Thiên An Môn thuộc Bắc Kinh của Trung Hoa. Chính tại nơi đây đã là nơi con Rồng hùng vĩ, mỹ lệ và thiêng liêng nhất của Phan Thiết trổ tài vùng vẫy trong các dịp lễ lộc hội hè. Tại nơi ấy những cuộc diễn hành, biểu tình, các xe hoa đều quy tụ về để chuyên chở các biến cố vui buồn của thành phố. Rồi những buổi chợ Tết thâu đêm cũng đều diễn ra bắt đầu từ khu cuối vườn bông ấy kéo lan dài khắp phố Gia Long, lần ra các hang cùng ngõ hẻm của khu chợ chính.

Thật là khó quên ngày lễ được gọi là Thỉnh Ông Đi Chơi, lũ trẻ chúng tôi nô nức đi ra đường xem giữa rừng người, cảnh tượng con Rồng uốn lượn theo trái Châu được vũ lộng xoay vần liên tục bởi một thanh niên lực lưỡng để dẫn Rồng quây quyện, cuộn các con Lân vào giữa, theo tiếng trống "tùm tùm...tùm tùm..." hùng dũng, tiếng chiêng "cheng...cheng..." ngân vang, tiếng tu huýt tíu tít điều khiển, tiếng chân người của đoàn Rồng to lớn, tiếng lục lạc từ thân Rồng lúc lắc theo nhịp chân chạy xào xạc reo vang khắp nơi, cùng xen lẫn các điệu trống Lân "cắc cá lắc cắc cắc... tùng tùng...." khi thì dồn dập, khi thì "xổ..." một tràng dài, khi nhịp đều "cắc tùng tùng... cắc tùng tùng..." lúc các con Lân chồng người lên cao để tung qua mình Rồng thoát khỏi vòng vây...

Vì một dịp tình cờ tôi có đến Chùa Ông để ngắm nghía một cách say sưa các chi tiết của con Rồng Phan Thiết, dầu không bao giờ tôi đủ can đảm đến quá gần vì sợ. Mình Rồng có cài hằng ngàn chiếc "vẫy" óng ánh. Một dịp nọ, có một trẻ lượm được một chiếc vẫy Rồng, tôi và các bạn tò mò đến ngắm nghía. Mỗi vẫy Rồng là một miếng gương tròn (cỡ gương thời ấy dành cho các phụ nữ mang theo để soi mặt). Mặt sau của các vẫy gương Rồng ấy có in tên của ân nhân bảo trợ. Đầu Rồng màu trắng, với nét thanh cao, hùng vĩ, có hai chiếc sừng cong cong khúc khỹu. Mủi Rồng nở nang tròn lớn như sẵn sàng để khè ra lửa, mỗi bên mũi có các râu cong cong. Rồng có chiếc lưỡi đỏ thè dài, với hàng râu cằm toả đều xuống mé dưới miệng, vừa xinh đẹp vừa mang vẻ huyền thoại kỳ bí của một linh vật khiến chúng tôi sờ sợ né xa, không bao giờ "đụng" vào ...

Cảnh tượng múa Rồng là cảnh của một linh vật đang đạp mây uốn mình quây lượn theo sự thu hút của trái Châu (tức là một bảo vật). Tục truyền khi nào có các linh vật Long, Lân. Qui, Phụng xuất hiện thì muôn dân sẽ hưởng được cảnh thanh bình hoan lạc. Trong tâm niệm người dân, cảnh Rồng múa như mang được hình ảnh thiêng liêng cao cả về gần lại để chiếu cố những khó khăn của thực tế cuộc sống. Mỗi khi Rồng múa, tôi vẫn còn nhớ đầu Rồng khá nặng cần phải có 3 thanh niên cùng gồng vác, một người mang chịu cây trụ chánh ở giữa, hai người kia mang 2 cây xéo chịu 2 bên. Mình Rồng là loại vải bố vừa chắc vừa mềm mại cho dể múa, màu sắc lộng lẫy nhưng không diêm dúa. Cách đều nhau giữa các khúc nối mềm mại bằng vải bố là hằng mấy chục khúc thân cứng cáp cho các thanh niên mang đội vào để lượn múa. Mỗi khúc thân Rồng có 1 sườn bằng nan mây, vừa vặn cho 1 người thanh niên nai nịt chịu ở lưng, vai và đai ở hông. Cứ vài phút người này mỏi lại có người khác vào thay thế. Lưng Rồng có dẩy Vi lởm chởm chạy dài từ đầu cho đến khúc đuôi. Cuối các chân Rồng với những móng vuốt nhọn là hình vẽ những cụm mây. Khúc đuôi cuối cùng của Rồng là những khía vi nhọn lỉa chỉa, khá cao, lắc lư khi múa, cũng có một cây trụ chính của đuôi do một người nai nịt ở hông và cầm chịu ở tay, và lại thêm 2 dây kéo bởi 2 người khác ở hai bên để múa lượn. Những ngày tôi còn bé theo xem hội hè đình đám, nghe tiếng trống "tùm tùm...tùm tùm..." của đội Rồng Phan Thiết hoặc tiếng trống dòn dả "Cắc cắc tùng..." của các đội Lân chùa Ông hoặc các đội Lân Mặt Xẹp (với tiếng trống "tùm tùm...tùm tùm tùm...tùng tùng tùng, tùm tùm..." thật đặc biệt và kỳ dị), hay các đội Lân Sài Gòn (có leo cây trụ sắt thật cao và có múa võ) được mời về dự lễ Thỉnh Ông, chân tay tôi bổng trở nên bủn rủn, tim hồi hộp, vì bị thu hút mãnh liệt bởi các âm thanh kỳ diệu ấy ... Sau này nghe nói ở thành phố nổi tiếng nào như New York hoặc Singapore có các con Rồng rất hay và đẹp, tôi đều chú ý xem các hình ảnh để so sánh với con Rồng Phan Thiết. Và vẫn chưa tìm được các đối tượng đáng kể để mà so sánh...

Trong ký ức tuổi trẻ thơ ngây ấy tôi nhớ hình ảnh của các bạn trẻ con bên phố. Cùng học chung trường thầy Giáo Nhiều, được gọi là thầy "Thẹo", là hầu hết lủ trẻ đường Lê Văn Duyệt dảy nhà tôi, và dảy phía bên kia bùng binh, tức đường Nguyễn Văn Thành. Cùng học chung trường thời ấy có con của các bác Vui Vui, bác Năm Phùng, tiệm Thành Kim, Mỹ Quang, Mai Xuân Trượng v.v...bên kia đường là con của bác Tân Lập, Lê Chánh Ngử... có cả hai chị em Thanh và Bạch cháu cô Nam Phong nhà ở đường Đinh Tiên Hoàng phía trong tiệm billiard chú "Buộc" nữa. Bên phố Gia Long các tiệm Vĩnh Hưng, Phước Hưng, kéo dài đến tiệm chú Bé Vĩnh Lợi cũng đều gửi con học chung trường này... Sau ngày anh cả tôi mất lúc vừa 2 tuổi, mẹ tôi sinh chị Anh rồi chị Nam. Lúc sanh được con trai, người mình có tục lệ hay cho đeo khoen ở tai để khỏi bị ông bà "bắt", vì ngỡ là con gái (?). Tôi và Hiệp con bác Tân Lập đều rơi vào hoàn cảnh đó. Hiệp con bác Tân Lập (vẫn thường được các bạn bè thân yêu gọi là Hiệp Lé, sau này được người chú tập đánh trống, trở thành 1 tay trống xuất sắc), khi đi học vỡ lòng vẫn còn mang khoen ở tai. Bây giờ mỗi khi sờ lên cuối vành tai trái tôi vẫn còn dấu lỗ tai đeo khoen ngày xưa, mặc dầu lỗ ấy đã được lấp kín từ lâu. Trường thầy Giáo Thẹo rất nghiêm và nổi tiếng đánh học trò rất đau. Viết bằng tay trái là bị khẽ tay. Nói chuyện trong lớp thầy kêu lên bắt quỳ lấy thước kẻ vào đít. Đứa nào không thuộc bài hay chưa làm bài tập thì mặt mũi xanh rờn vì sợ thầy phạt đòn. Sau này kể cả quãng đời đi lính, tôi chưa bao giờ sợ một người có nhiều uy quyền đến thế! Hôm nhập trường mẹ tôi có mua cho tôi một quyễn tập viết mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Quyễn tập ấy có hàng chử in ngoài bìa xinh xinh đã khiến cho tôi suy nghĩ miên man...Đó là mấy chữ "Ngày Nay Học Tập, Ngày Mai Giúp Đời". Ôi chao quả là 1 ý tưởng ngoài sức tưởng tượng. Lủ trẻ nít ăn chưa no, lo chưa tới như chúng tôi, mà lại hình dung có một ngày nào đó mình sẽ làm một cái gì để "giúp đời". Tuy vậy, vì ngày nào cũng đọc, mấy chữ đơn sơ đó đã ghi khắc vào trong tâm khảm. Câu chữ in đó nổi bật trong ký ức về mái trường yêu dấu của thầy Giáo Nhiều. Tôi học trường thầy được khoảng 1 năm thì có 1 cậu bé kháu khỉnh con bác Năm Phùng mới vào học lớp vỡ lòng và ngồi kế bên tôi, tên là Đinh Quốc Cường em của chị Dung. Cậu em út của Cường là Tuấn lúc ấy chưa đi học. Chị Dung chơi với chị Nam của tôi và chị Tăng Thị Thiết con bác Vui Vui. Cậu bé ấy thật dễ thương, hay cho tôi mượn cục gôm hoặc đồ bào bút chì, tôi thường giúp Cường làm bài tập, và đến giờ chơi chúng tôi chơi chung. (Anh em Cường và Tuấn bắt đầu tập chơi tennis từ bé cùng với anh em Toàn và Thắng nhà ở bờ sông; sau này cả Cường và Tuấn đều trở thành những cây vợt nổi tiếng của VN). Giờ chơi trước sân trường thầy Giáo Nhiều bầy bán đủ thứ, từ me riêm, ốc khương, bánh tráng mắm ruốc, trái khế trái cốc thứ gì cũng có. Thậm chí lũ con nít chúng tôi còn có thể mua "chịu" nữa! Tôi nhớ những lần ăn kem "cà rem" chất lạnh thường buốt nhói lên tận đỉnh đầu. Ăn đu đủ bò kho, ăn xong còn húp hết cả chất nước cay và mặn ấy thì mới đúng điệu. Rồi lại có xe bán kẹo kéo với thớ kẹo lớn khi được kéo ra, ở giữa có các hạt đậu phộng vừa ngọt vừa thơm. Anh bán kẹo kéo còn kích thích chúng tôi bằng cách cho "đổ hột me", thỉnh thoảng con nít chúng tôi có ai đổ trúng thì được anh kéo thêm gấp 2, 3 lần dài hơn (mà thật ra thì cũng "mỏng" hơn). Lũ con trai thì chơi bắn bi, đáo lạc, bắn "bì", hoặc quăng cùi bắp. Các chị gái thì hay chơi các trò chơi mà con trai chúng tôi không tham dự như "đánh chắc" (tung trái banh lên, rồi chuyền xoay 1 nắm que đủa cho thật nhanh, để bắt lại quả banh kịp khi nó rơi xuống), nhảy giây (giây được nện lại bằng nhiều sợi thun thành một thớ thun dài), hoặc chơi búp bê, đá cầu ...Có lần hai chị em chúng tôi dạo bộ chung, đi lên mé cầu, trông thấy chị Dung hoặc chị Thiết, chị Nam tôi nhập bọn con gái chơi với họ, thế là tôi phải lủi thủi đi về nhà một mình, lòng ao ước phải gì mình có một người anh để chơi chung!

Trong các hình ảnh tuổi thơ ấy có bóng dáng của chính tôi ngày được ba may cho 1 bộ đồ veston mà mọi người dạo ấy gọi là áo "bành tô". Súng sính trong bộ đồ đặc biệt ấy, các chị và em nhìn tôi như thấy lạ mắt. Mẹ tôi vừa thắt nút áo cho tôi vừa kéo vạt áo cho thẳng thớm, vừa vổ đầu tôi và đùa mấy câu mà người dân thường hay trêu ghẹo những người mặc đồ veston có vẻ "bảnh bao" thời đó:

Bành tô la ghì
Ăn cắp bánh mì bỏ túi bành tô

Vì nhà gần quán bác Hai Mọi nên hai gia đình thân nhau. Ngoài các món ăn chiều hấp dẫn như bánh bèo, bánh quai vạt, mì quãng, nem nướng với các nước chấm mặn mà đặc biệt, hoặc các món chè đậu xanh, chè chí màu bửu (tức chè mè, màu đen), hoặc bánh bò được bán bởi các quầy gánh rong dọc theo phố chánh, chị em chúng tôi chiều chiều hay qua nhà bác Hai mua chỉ hai đồng "xí quách" mà đựng đầy cả một tô lớn về ăn chấm nước mắm, vừa ngon miệng vừa rẽ. Một buổi nọ, tôi sang mua 2 đồng xí quách như thường lệ, nhưng vì không tìm thấy 1 tô lớn nào trong nhà cả, tôi bèn mang đại 1 chiếc soong theo để đựng. Trông thấy chiếc soong khá lớn bác gái má anh Huệ (bác Hai Mọi) vừa cười hỏi tôi: "Thằng Tám con anh Sinh đó hả... Nhà con cái soong nào lớn hơn cái đó nữa không con?..." Vì bẽn lẽn từ đó về sau tôi không bao giờ dám mang soong chảo đi mua "2 đồng xí quách" nhà Bác Hai nữa cả. Rồi có một một tai nạn hi hữu mà tôi nhớ mãi. Dạo tôi lên chừng 6 tuổi, một hôm khi đang chơi bắn bi cùng lũ trẻ tại bãi đậu xe trước nhà, ngay lúc tôi đang lui cui chăm chú bắn bi vào lỗ bỗng nhiên tôi thấy mé trên đầu có chất gì nóng như nhớt nhỏ giọt xuống đầu tôi. Ngoảnh đầu lên nhìn thì lũ trẻ đã bỏ chạy đi đâu hết cả chỉ còn lại một mình tôi, mà lại có một chiếc xe vừa "de" vào đậu phủ ngay trên đầu tôi, lúc tôi còn đang cúi thấp xuống cặm cụi bắn bi cho vào được lỗ ! Tôi đang ngạc nhiên hoảng sợ thì nghe tiếng hốt hoảng của cha tôi. Chạy vội từ trong nhà ra đến bãi đậu xe, ông la lên: "Trời ơi xe cán con tôi rồi!..." Cha tôi vừa cầu cứu vừa cố gắng dở hỏng chiếc xe lên (nhưng không dở nỗi vì xe quá nặng). Khi tôi lòm còm bò ra khỏi gầm xe, cả ba tôi và người chủ chiếc xe đều mừng rỡ, ôm chầm lấy tôi . Dù tôi không bị hề hấn gì, ngày hôm sau ông chủ chiếc xe hơi ấy có ghé lại thăm gia đình tôi. Ông tặng 1 bó hoa và ngỏ lời xin lỗi về "tai nạn". Ông chủ chiếc xe ấy là 1 du khách ăn mặc sang trọng và dáng dấp thanh tao. Cha mẹ tôi cảm tạ về mỹ ý của ông với tai nạn thật là hi hữu đó. Hành động tặng hoa đó cũng thật là khác biệt đối với lối cư xử thường nhật khiến tôi không thể nào quên.

Các hình ảnh thời niên thiếu ấy có thể biểu tượng bằng 1 tấm hình thời bé mà tôi rất thương, dầu hình ấy đã thất lạc từ dạo tôi xa quê vào Sai Gòn học. Ngày tôi lên mười tuổi, học sinh lớp Nhất phải đi chụp hình để chuẩn bị đi thi Tiểu Học. Một hôm tình cờ đi qua tiệm chụp hình Liên Hoa chợt thấy tiệm treo 1 tấm hình khá lớn của 1 cậu bé. Nhìn kỹ té ra là hình của chính mình với áo sơ mi trắng, tóc chải dợn sóng, với nụ cười nhẹ nhàng xinh xắn. Tấm hình ấy sau khi thất lạc tôi vẫn ước mơ có dịp nào ngắm lại các bóng hình của thời bé bỏng xa xưa... Ngày tôi thi đậu bằng Tiểu Học, chị Nam mang về 1 món quà, bão rằng do chị Tăng Thị Thiết (tức chị Cà Sáu) con bác Vui Vui, bạn chơi thân của chi Nam tôi,gửi tặng tôi. Món quà đó là một con thỏ đồ chơi màu trắng, đằng sau lưng thỏ có gắn 1 chìa khoá lớn dùng để căng dây thiều. Khi quay dây thiều xong, thả xuống, con thỏ trắng "tự động" ấy nhảy lốp cốp khắp nơi thật vui mắt. Đấy là một món quà bất ngờ và đặc biệt. Bẳng về sau này, ngày nghe tin chị Thiết qua đời khi tuổi đời của chị còn rất trẻ, tôi liên tưởng món quà chị cho tôi, và cảm thấy một phần nào quãng ngày thơ ngây thân thương vừa mới mất...Cùng với chuyến dọn đi đến khu nhà mới xây trước ấp Đức Nghỉa, giữa các thay đổi với trường mới, bạn mới, lòng non dại của cậu bé trong tôi vẫn nghĩ và nhớ nhiều về Cường, cậu học trò nhỏ bé cạnh tôi một thuở mài đũng quần trường thầy Giáo Thẹo... Hình như ai đã cắt mất nơi tôi một phần gì thân thương âu yếm và hồn nhiên nhất...

Những ngày mới lớn xa quê vào học Sài Gòn, giữa những chiều nắng vàng bên phố Lê Lợi nhộn nhịp của chốn phồn hoa đô hội, hay những tối từ căn lầu nhà Dì Hai nhìn xuống con đường Phan Đình Phùng với ngựa xe trẩy hội náo nhiệt mé dưới... Tôi chợt nhớ về quê hương Phan Thiết với những cột đèn đường bình dị có quầy bánh căn và thấp thoáng đâu đó hình ảnh tiếng cười vui của các chị em tôi quây quần bên lò bánh gắp từng miếng bánh căn dòn vừa được cậy khỏi khuôn trộn vào với nước mắm, các tốp mỡ, và các thứa cá Nục kho... nhớ quê ngoại, mé xa bên kia đường đối diện khu trường Phan Bội Châu nằm sâu trong vùng ngoại ô, với bóng mát chiều tỉnh lặng khoan thai êm ả lúc khói nhà ai đang nấu cơm và tiếng gọi lanh lảnh xa xăm "Cu ơi ...về ăn cơm" ...nhớ tiếng ru con của ai đó xen lẫn giữa tiếng võng đưa kẽo kẹt giữa trưa hè "Ầu ơ... bầu ơi thương lấy bí cùng"... nhớ cảnh đồng ruộng, xanh thật là xanh, màu mạ mới cắt... và nhớ hương đồng gió nội yêu dấu của quê hương... nước mắt kẽ tha hương chợt rưng tròng.

Bây giờ, sau những cuộc đổi dời, sau những chuyến vượt đại dương, qua bao nhiêu bến bờ, qua bao nhiêu không gian, qua bao nhiêu mảnh đời, các hình ảnh thơ dại xưa vẫn còn lưu lại tiềm tàng trong ký ức. MTGPMN đã được cho ra đời để khởi đầu chinh chiến, rồi lại bị khai tử vào bóng tối, sau khi Miền Nam VN đã mất vào tay CS Bắc Việt. Nhiều trẻ tí hon cùng học chung trường thầy Giáo Nhiều ngày xưa giờ đã ra người thiên cổ. Có kẽ tha hương đang tìm kiếm trong sương mù ký ức một quãng đời hơn 40 năm xưa, như đang kiếm tìm lại những viên lưu ly trân quý. Mỗi khi chị em chúng tôi gặp lại nhau, nghe lại giọng ca của chị Nam "Mưa rơi hoa lá tơi bời, đàn ai vọng đến một chiều gió mưa ..." của một bài ca mà chúng tôi đều ưa thích; hoặc lời ca "Ta đến đây để xin lệnh phụ vương..." do chị Anh ca; hoặc giọng em Hà ngâm lời thơ "Từ buồn chị chọn em làm tri kỹ, Để đêm về gục mặt kể em nghe..." của chị Nam làm tặng em Hà, các ấn tượng và cảm giác xa xưa vẫn còn sẵn sàng để cuồn cuộn trôi về trong tôi như thác lũ - từ những nguồn sông của quê hương xa thẳm...

Lủ trẻ con xưa đã từng Học Tập, nay vẫn còn ngóng tìm qua hàng rào ngăn cách của lý tưởng ý thức hệ, mảnh quê hương bình dị thân yêu xưa, với ước mong sẽ làm được một điều nhỏ nhoi nào đó có thể gọi là Giúp Đời...

Cát Biển

Sunday, October 1, 2017

Từ Sân Trường Phan Bội Châu PT Ðến Những Giấc Mơ Biển - Cát Biển

Cầu Nguyện Hương Linh chị Huỳnh Thị Thanh Hiếu sớm phiêu diêu nơi miền cực lạc.
Cát Biển
Vài Ký Ức –
Hôm nay được tin chị Thanh Hiếu, bạn cùng lớp Ðệ Nhất PBC nhập học năm 1967, vừa vĩnh biệt, lòng tôi chợt nhớ về một tấm hình của chị trước cổng trường Phan Bội Châu…Trong chuyến công tác hảng Boeing tại Seattle năm 1997 tôi được có cơ hội ghé thăm gia đình chị Hiếu tại Portland Oregon, có cả chị Vân, là các chị học cùng lớp năm xưa ... Một thâm tình sau hơn 20 năm thời mài đũng quần nơi trường PBC thân yêu ... trước khi ra về anh Sanh chồng chị Hiếu còn nhất quyết tặng tôi 1 đôi giầy, và chị Hiếu cho xem lại tấm hình của chị mang kiếng mát, tay cầm áo ấm len đen trước cổng trường . Tôi nói tấm hình này cần được đăng trong Ðặc San Hội Bình Thuận. Chị Thanh Hiếu nói như vậy chị tặng luôn tấm hình nhé. Và sau đó tấm hình đã được scan ra và phổ biến khắp nơi cùng với các bài viết về Hội Bình Thuận và trường PBC Phan Thiết. Một tấm ảnh trông đơn sơ, nhưng nói nhiều về tính chất con người của các cựu học sinh PBC ngày xưa, vừa chuyên cần học hành, vừa tha thước trong nhân bản đạo đức...
 Dạo đó tôi học trung học ở Sài Gòn. Năm 1967 tôi về học lớp đệ nhất tại trường trung học Phan Bội Châu Phan Thiết. Sau đó là các trường Đại Học ở Sài Gòn, cho đến ngày tình nguyện nhập ngũ quân chủng hải quân khóa 20 Đệ Nhị Hổ Cáp. Hải nghiệp đã mang nhiều ấp ủ thời tuổi trẻ, song bầu nhiệt huyết hăng say trong tính chất hào hùng cùng với các gian lao cực nhọc nang đến cho đời lính biển nhiều nguồn thi vị lãng mạn. Những năm học lớp đệ nhất vào mỗi buổi tối, lũ chúng tôi những người bạn yêu văn chương, thường tụ tập ngồi ngắm sao trời, bàn luận say mê về các tác phẩm nổi danh vào thời đó, thường là các tác phẩm triết lý gợi suy ngẫm cho tuổi mới lớn, như Ung Thư của Thanh Tâm Tuyền, Buồn Nôn của Jean-Paul Sartre, Bonjour Tristess của Francois Sagan, La Porte Etroite của Andre Gide do Bùi Giáng dịch v…v… Những lúc làm thơ, viết văn cho báo trường, là những bước đầu tập tễnh vào khu vườn văn thơ. Mãi đến lúc sang Hoa Kỳ, những buồn bã bâng khuâng từ nỗi cô đơn nhớ nhà, nhớ bạn bè, nhớ quê hương, đã dấy lên thành một động lực mạnh mẽ thôi thúc những bài thơ mang tâm trạng của nếp sống tha hương, về biển cả, về quê hương.
Phan Thiết là nơi chốn để nâng niu chiu chắt những kỷ niệm ngọc ngà của tuổi thơ. Quê hương Phan Thiết bình dị là một miền biển mặn có con sông Mường giang lững lờ trôi:
Ai về Phan Thiết quê tôi
Nhắn sông Mường Mán chiều ơi nhớ cùng 
Phan Thiết trong lòng tôi vẫn mãi mãi là một chốn thân thương tuyệt vời của thời niên thiếu, khi tâm hồn còn bát ngát những ngây ngô non dại…Những niềm hạnh phúc vô biên với những câu chuyện đầy ly kỳ lẫn thi vị do người Cha kể lại, đã được chị em lắng nghe say mê từ lúc còn bé, đến những buổi cơm chiều đậm đà hương vị quê hương có canh chua, cá nục kho, gỏi cá mai do người Mẹ nấu, quây quần với tiếng cười tiếng ca náo nhiệt của các chị em trong nhà. Những kỷ niệm đậm lắng mãi trong một nơi sâu thẳm của ký ức, để ta mang theo suốt cuộc đời. Thành phố đó cũng mang nhiều hình ảnh lam lũ bình dị của những người dân chài miền biển. Những người dân Phan Thiết rất chân phương hiền hòa và mộc mạc trong lối giao tiếp giữa người và ngườị Khi lớn lên và có dịp vào Sài Gòn học trung học, dù rất yêu chốn phồn hoa đô hội này, nhưng Phan Thiết luôn luôn trải mời tiếng gọi réo rắc, kéo tấm lòng về với quê hương, vì nơi đó có hình ảnh của một mái ấm gia đình, có lũ bạn thuở thiếu thời, có mớ chân tình sâu đậm:
Mường Giang óng ánh nhẹ nhàng
Quê hương tôi đó muôn vàn nhớ thương
Người đi lạc xứ vấn vương
Chiều trông quê cũ lệ tuôn đôi hàng

Năm còn học lớp đệ nhất tại trường trung học Phan Bội Châu, Phan Thiết đã thoáng ghi nhận một mối tình học trò thơ ngây:

Phan Bội Châu áo dài tia nắng dại
Lối đi về vai chạm nhói tim nhau


Quay trở lại thời kỳ quê hương còn đắm chìm trong chiến tranh, chàng thanh niên trẻ sinh trong thời loạn đã rời ghế nhà trường để dấn thân vào cuộc chiến:

Rồi cảnh quê mình thêm khổ đau,
Bom giày đạn xéo đẩy chia ly,
Những cánh tay ôm ngày giã biệt,
Người trai nhập ngũ tuổi xuân thì


Rồi chúng tôi nhập ngũ như bao nhiêu thanh niên cùng lứa tuổi anh đã phải tòng quân trong hoàn cảnh đất nước điêu linh. Ngày bắt đầu lên đường theo tiếng gọi của non sông cũng là ngày chấm dứt cuộc đời thư sinh mơ mộng:

Anh ra đi gói theo hành trang nhỏ
Ấm quê hương thương mấy giọt lệ chào
Cửa xe cuối đời học sinh áo trắng
Khép kín khung trời thơ mộng xuyến xao

Đại dương đã có một sức quyến rũ. Vào thời điểm đó, chiến cuộc đang tràn lan khắp nơi trên quê hương, với tuổi trẻ đầy bầu nhiệt huyết, nhìn cuộc đời bằng một màu xanh, màu xanh của mặt đại dương bao la, màu xanh của hy vọng tuổi trẻ:

Xưa yêu biển anh mộng mơ hải nghiệp
Dệt hồn mình thẳm tuyệt một màu xanh


Khi gia nhập quân chủng Hải quân khóa 20 Đệ nhị Hổ Cáp, những chàng trai được đào luyện theo truyền thống từ Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang đã ôm ấp một cuộc đời binh nghiệp với những chuyến hải hành phiêu lưu bất tận:

Áo trắng tinh anh mũ vành phong nhã
Nếp chỉ vàng vai áo dạ hoàng gia
Hoa biển mộng ẩn đầy vai khổ nhục
Cánh tay trần luyện hái gió đo mây
Ngày đăng quang quỳ đưa tay vũ trụ
Đeo nhẫn vàng thách thức ngũ đại dương
Suốt những tháng năm thêu dệt mộng hải hồ, với những chuyến đi công tác, quần đảo Trường Sa là địa danh đã ghi lại biết bao nhiêu kỷ niệm với những chuyến hải hành đầy mưa giông bão táp, với tầm bao la của biển trời, và sự nhỏ nhoi cô độc của thủy thủ giữa ngàn khơi. Các binh sĩ đóng ở các hải đảo hẻo lánh xa xôi với sóng nước mênh mông chung quanh, chỉ có bạn là những chú chim hải âu với tiếng kêu vang trời trên hải đảọ Các thủy thủ thường chỉ mong thấy được bóng dáng con tàu để tưởng nhớ đến đất liền, bắt cầu nối nhịp với đời sống loài ngườị Người thuỷ thủ liên tưởng một thế giới biển cả thâm sâu bí ẩn, và hằng hà sa số các sinh vật đặc thù kỳ lạ trong thế giới thủy cung:

Rồi từ đó loài kình ngư lượn sóng
Mộng thủy cung huyền thoại mỹ nhân ngư
Ngắm sao trời gió lũ sóng ba đào
Đi chất ngất chuyến phiêu lưu kỳ ảo
Chiều Trường Sa hải âu bay ngập đảo


Con tàu vượt đại dương trong những chuyến hải hành của người lính thủy đáp lại chí tang bồng:

Bến ở đi sương mờ giăng hải lý
Gan thép thề bền bỉ với non sông
Những ca đêm hải hành vào tác xạ
Đại pháo bắn đi rung cả thân tàu

Rồi những chiều mưa giông vờn bão lớn
Tàu nghiến mình răng rắc rợn cả da
Và những chuyến xuôi buồm trong nắng sớm
Thủy thủ hát ca vang vọng cả boong tàu


Hải nghiệp tưởng đã theo mình, nào ngờ biến cố tháng Tư năm 1975 đã khiến cuộc đời rẻ qua một khúc quanh lịch sử khác, gắn liền với định mệnh của dân tộc:

Phiêu lãng đời trai ngất cao ước mộng
Bỗng một chiều ác mộng tháng Tư đen
Nhổ neo cắt xuồng đắng cay tấc lưỡi
Xếp lá cờ tức tưởi kiếp tha hương


Buổi chiều tháng Năm năm 1975 tại hải phận Phi Luật Tân, chưa bao giờ người tha hương lại có một cảm giác lưu vong buồn nản cho kiếp người đến tức tưởi như thế. Bây giờ mỗi khi nhắc lại biến cố này không khỏi nấc nghẹn nơi cổ:

Ngày Ba tháng Năm tàu vào Phi phận
Con số chiếc tàu sơn cạo, xóa tên
Bao nhiêu uy danh nay thành hư ảo
Khối sắt vô hồn, thây xác rỗng tênh
Còi chào sĩ quan nghe cay đắng nhức
Viên chức Hoa Kỳ trình ủy nhiệm thư
Nhận các con tàu vừa thành vô chủ
Áo biển trẽn trơ ngày mất bến bờ


Trong lòng mang tâm sự của một người lính trẻ, đã không còn được cả cái quyền buồn vì da ngựa bọc thây nữa, và đã thoáng lo âu về tương lai đất nước:

Cả trời tin yêu một lòng anh dũng
Tuổi trẻ kiêu hùng dâng hiến quê cha
Nay quê chẳng còn, con buông chí cả
Mai con đi rồi ai giữ quê tả


Buổi chiều trao trả chiến hạm lại cho các sĩ quan Hoa Kỳ để họ bàn giao tàu lại cho hải quân Phi, khi lệnh hô: “Hạ kỳ!”, cả thủy thủ đoàn anh ai cũng chào tay mà khóc sướt mướt, vì biểu tượng cuối cùng của đất nước, chất keo sơn cuối cùng gắn bó giữa những người bạn đồng đội đã bị tước đoạt đi:

Chiều gió mơ màng hàng người im phắc
Đứng thẳng boong tàu cứng ngắt, chào tay
Nhìn lá cờ vàng lòng đau quặn thắt
Còi thổi: “Hạ kỳ”, mọi mắt đều cay
Có kẻ nấc lên người kềm nước mắt
Nhìn lại bạn bè hận ức bủa vây
Hăm Chín Tháng Tư khăn tang ban phát
Tàu có hai xuồng chung thủy đón đưa
Lệnh gom quân vĩnh biệt đến giờ
Không kéo thuyền lên mà đành đoạn cắt
Thủy thủ chặt giây, hồn tim se thắt
Lìa bỏ con thuyền dứt bến bờ thương
Mồng Bảy tháng Năm ta mang đời tị nạn
Từ đó hằn sâu dấu tích quê hương


Tại trại tị nạn Orote Point ở Guam, chúng tôi đã cảm nhận cả một nỗi niềm cô đơn trống vắng mênh mông vào những tháng ngày đầu tiên trên xứ người. Nghe hồn mình như chú chim lạc bầy giữa thành phố lạ, mà lòng vẫn ray rức khôn nguôi tiếc nuối những tháng ngày lênh đênh trên biển cả:

Khuya nay lệ đắng hành trang
Chim về phố lạ, lũ đàn bỏ rơi
Sóng ơi xin chớ gọi mời
Biển yêu chớ trách một đời dở dang


Trước ngày ra đi khoảng 2 tuần, tôi được Thiếu Úy Hoành Khoá 23 cho biết tôi vừa có Nghị Ðịnh thăng cấp Ðại Úy, nhưng tâm trí nào còn màng đến
chuyện lên lon hay xuống cấp…Trong hành trình tức tưởi rời bỏ quê hương đi vào một phương trời xa lạ, anh em binh sĩ đến hỏi “Trung Úy ơi, mai mốt qua xứ Hoa Kỳ xa lạ, mình làm gì để sống hả Trung Úy?” Có biết đâu lòng mình cũng đang hoang mang không kém gì những binh sĩ này:

Chiều nào nghe tên mình đọc trên loa
Ngỡ ngàng bước lao mình cơn gió lốc
Đi ở chia tay giã từ rào cổng
Mỏi gót chân đời nên cười hay khóc?


Cuộc đời tha hương sau đó chỉ là những chuỗi ngày dật dờ cho qua một kiếp người:

Mỗi ngày xa quê là một ngày lạc lỏng
Mỗi bóng mặt trời là một kiếp khổ sai
Mỗi tối hoàng hôn là âm tỳ tủi nhục
Mỗi sóng reo đùa là mũi nhọn chởm gai

Hôm nay nhận thêm tin chị Thanh Hiếu lìa đời, như sự vĩnh biệt cuả những bạn thân xưa thời trai trẻ...những Diệu Lý, Bá Long, Nam Bò, Sử Rỗ, Dũng Lọ v.v... Mình tự hỏi thế nào là sự hiện diện của chúng ta ...như những đêm kế bên hảng nước đá Huỳnh Ðức thời theo học lớp Ðệ Nhất trường PBC, từng bàn luận:

Con người là các sản phẩm chưa hoàn tất –
Unfinished products,
Cho tới vài giây trước khi buông tay nhắm mắt.
Cuộc hành trình
Thế có phải chăng là một chuỗi dài học hỏi,
để vượt qua các giới hạn?


Một hôm nào, chợt nhìn lại, tuổi xuân đã qua, dù giấc mộng giang hồ trên biển cả vẫn còn rất mãnh liệt, trong ta chỉ còn ký ức của một thời ngạo nghễ:

Nay phố lạ áo gươm trao trả mộng
Thoáng rượu nồng hổ chợt nhớ rừng xưa
Ôi hải nghiệp biển yêu còn ấp ủ
Tóc ngã màu chim rũ cánh phiêu du… 
Cát Biển
PBC-68