Sunday, November 5, 2017

Cao Thế Dung, thầy tôi - Trường Sơn Lê Xuân Nhị

 
Đừng nghĩ thằng Mỹ nó yêu thương đất nước mình.  Chúng nó đến đây vì quyền lợi của chúng nó.  Một ngày nào đó, chúng nó sẽ ra đi.  Các em nên nhớ, không có ai yêu thương đất nước mình bằng người Việt Nam mình cả.  Nếu các em không yêu thương đất nước mình thì các em mong đợi ai sẽ yêu thương đất nước mình đây?

Lời thầy Cao Thế Dung dạy học sinh La San Ban Mê Thuột
 
Trường Sơn Lê Xuân Nhị
 
Tôi may mắn biết thầy Dung từ trước khi thầy trở thành nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam.  Khoảng năm 1965 hay 66 gì đó, trường Lasan Ban Mê Thuột chúng tôi có một giáo sư Việt Văn mới tên Cao Thế Dung.  Thường thường thì các giáo sư mới hay bắt đầu vào dịp đầu năm, nhưng thầy Dung xuất hiện thật bất ngờ.  Chẳng ai báo trước, chẳng được nghe tin. Chỉ thấy một buổi sáng, thầy mặc áo sơ mi trắng, thắt cà vạt, xách Samsonite bước vào lớp chúng tôi.  Lúc ấy chúng tôi mới biết đó là giáo sư Việt văn mới của lớp mình.  Nghe nói, thầy là dân Sài-gòn về đây.
Dân Sài-gòn quả có khác…
Thầy người Bắc, đẹp trai, tướng người mảnh khảnh, ăn mặt sang trọng, luôn luôn đeo cà vạt và sách cặp táp đi dạy học, hoàn toàn khác với các thầy địa phương ở Ban Mê Thuột lúc đó.
Tưởng cũng cần nhắc thêm ở đây, và nếu ai còn nhớ những tháng ngày ở trường trung học, chương trình gồm có nhiều môn học với nhiều hệ số.  Hai môn quan trọng, thứ nhất là Toán, thứ nhì Lý Hóa đều lạ hệ số 4, và thứ ba Vạn Vật, hệ số 3.  Sau đó mới tới những môn khác như Việt Văn, Pháp văn, Sử Địa, hệ số 2, và mấy môn lẩm cẩm khác hệ số 1 là Công Dân Giáo Dục (Chúng tôi gọi là Công Rân Ráo Rục), môn thể thao, và Giáo Lý cho những người học trường thầy dòng như chúng tôi.  Chúng tôi gọi những giờ hệ số 1 này là giờ... giải trí.  Giải trí cần thiết cho thần kinh bớt căng thẳng sau những giờ Toán Lý Hóa nhức đầu.
Đặc biệt, môn Công Rân Ráo Rục là một môn dễ dạy nhất.  Cứ lên bảng, mặt mày cần phải nghiêm trang một chút, không được cười, nói tía lia, nói thiên nói địa gì thì cũng thành... Công Rân Ráo Rục... ráo.  Môn này hồi đó, với cái tài bốc hốt của tôi, nếu cho tôi lên dạy, tôi bảo đãm sẽ hay vô cùng.
Vì thế, có thể nói, những giáo sư dạy môn Toán, Lý Hóa, Vạn vật là những người mà chúng tôi sợ nhất và kính nể nhất.  Ăn một con zero của mấy ông này thì đời tàn trong ngõ hẹp ngay.  Mấy giáo sư dạy Việt Văn hay Pháp văn, vì là hệ số 2 cho nên chúng tôi cũng hơi nể nhưng... không nể lắm.  Hệ số 2 ăn zero thì hệ số 4 vớt vát được mấy hồi.  Còn nói đến những giáo sư dạy môn hệ số 1 như Công Rân Ráo Rục thì bị chúng tôi coi thường vô cùng.  Lớp học vào giờ này luôn luôn ồn ào như một cái chợ, mạnh thầy nói thì nói, mạnh trò thì trò giỡn.  Có lẽ, các thầy dạy Công Rân Ráo Rục cũng biết cái thân phận mình nên chẳng có thầy nào làm khó chúng tôi.  Đi qua các lớp, hễ nghe lớp nào vui vẻ náo nhiệt như ngày tết thì biết ngay giờ đó là giờ Công Rân Ráo Rục hay Sử Địa vớ vẩn.  Bây giờ nghĩ lại, thấy tội cho những giáo sư dạy … Công Rân Ráo Rục thật.  Đặc biệt, giờ Giáo Lý tuy hệ số 1 nhưng đếch có thằng học trò nào dám làm ồn vì giờ này luôn luôn được các ông thầy dòng phụ trách, lạng quạng là ốm đòn như chơi.
Áy thế mà, khi thầy Dung vào dạy Việt văn thì mọi người đều nể sợ, dù thầy chẳng bao giờ la mắng hay đánh đập đứa nào cả.  Trước hết, sợ vì chẳng có ai biết thầy là ai, gốc gác như thế nào.  Không biết đến từ đâu, nhưng coi bộ tịch và cách ăn mặc sang trọng của thầy thì thấy... khiếp quá, đây nhất định phải là dân thứ dữ.  Thầy còn hút thuốc lá hiệu Salem.  Chẳng bao lâu, mọi thứ tiếng đồn được tung ra về thầy.  Có thứ đúng có thứ trật.  Tiếng đồn quan trọng nhất, thầy là một lãnh tụ một đảng phái chính trị đối lập nào đó, đang bị Nguyễn Cao Kỳ lùng bắt nên phải tạm lên Ban Mê Thuột ẩn danh một thời gian.  Cũng có thứ tiếng đồn ác ôn hơn như là thầy... giựt hụi ở Sài gòn, phải đi trốn.... vân vân
Riêng thầy, luôn luôn bí mật, không bao giờ nói về mình, cũng ít khi trò chuyện với ai.  Thầy có giáng dấp của một kẻ sĩ sinh bất phùng thời, hoặc một Lệnh Hồ Xung chưa làm xong lời sư phụ dạy nên chưa muốn về chùa.
Ngày đầu tiên học thầy, chúng tôi ngạc nhiên thích thú khi nghe thầy Dung giảng bài.  Phải công nhận thầy Dung có khoa ăn nói.  Thầy nói thao thao bất tuyệt, hớp hồn tất cả bọn học trò chúng tôi.  Và thầy dạy không cần theo chương trình của nhà trường, mà theo sách của bộ QGGD ấn hành.  Thầy dở sách “Giảng Văn” lướt sơ qua một cái rồi đóng sách lại, quẳng lên bàn, bắt đầu thao thao bất tuyệt về một đề tài trong sách, tùy theo hứng của thầy.  Hồi đó, giờ Việt văn có một môn mà ai cũng ngán tới cổ đó là “Truyện Kiều”.  Nhìn cái bìa cuốn sách đã thấy nản, lật vào trong còn thấy khiếp đãm hơn.
Hồi đó, chúng tôi, với đầu óc dốt nát mà lại mê ... tân thời, không thể nào nuốt trôi nổi những câu thơ của Truyện Kiều.  Ông giáo sư trước thầy cũng dạy Kiều, nhưng hễ ông nói chừng vài phút là chúng tôi đứa nào cũng muốn ngủ gục.  Để khỏi ngủ gục, phải bày ra những trò giải trí cho vui.
Nhưng đối với thầy Dung thì khác hẳn.  Thầy đã biến một môn học khô khan nhất trở thành một môn hấp dẫn nhất.  Thầy người Bắc, nên khi thầy đọc lên, một cách nhẹ nhàng trầm ấm, “Trăm năm trong cõi người ta... “ là chúng tôi cảm thấy nghe như nghe nhạc, không còn chán nữa.  Nhưng lâu lâu, thầy bỗng ngừng giảng bài, chỉ một thằng chắc có lẽ đang ngủ gà ngủ gật, quát lên như sấm động:
-Anh kia, tôi vừa nói gì đấy?  Lập lại cho cả lớp nghe coi.
Lập lại… thế đếch nào nổi vì đang ngủ gà ngủ gật mà.  Thằng khốn nạn chỉ biết đứng lên lí nhí cái gì chẳng ai nghe nổi.
Thầy lại chỉ tay vào góc nhà, quát tiếp:
-Anh lên đây đứng vòng tay lại trong góc này, xem cả lớp nghe giảng bài.  Học hành như thế mà cũng dám vác mặt đến trường làm tốn tiền bố mẹ.
Chỉ một vài lần như thế thì đếch có thằng học trò nào dám ngủ gà ngủ gật nữa…
Nhưng cái tuyệt chiêu của thầy là Thơ Mới.  Thầy chẳng những giảng thơ và còn kể luôn tiểu sử của những nhà thơ.  Có lẽ thầy giang hồ tứ xứ và quen biết nhiều nên kể chuyện về những tác giả của người bài thơ mới như Phan Khôi, TTKH, Đinh Hùng vân vân thật là hay...
Một điều đặc biệt, thầy dạy Việt văn nhưng giảng qua luôn những vấn đề thời sự và chính trị.  Thầy gieo rắc vào lòng chúng tôi những hột mầm của sự yêu nước.  Thầy thường nói, không ai thương đất nước Việt Nam mình bằng người Việt Nam mình cả.  Ngay hồi ấy, lúc quân đội Mỹ có đến nửa triệu người ở Việt Nam, nhưng thầy tiên đoán rồi Mỹ sẽ ra đi.  Thầy không ưa Mỹ, ghét Pháp thậm tệ.  Còn Cộng sản là kẻ thù không đội trời chung.  Thầy chửi luôn cả bọn tướng lãnh bất tài hồi đó.  Rồi thầy còn dạy chúng tôi luôn cả đạo làm người.  Thầy thường nêu câu sau này để dạy dỗ chúng tôi cách làm người, Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất.”
Nghe những lời thầy dạy, những tấm lòng son trẻ của chúng tôi bỗng nổi dậy lòng yêu thương tổ quốc, rạt rào và bừng bừng như sóng vỗ.
Nhưng rồi một ngày năm Đệ Tam, thầy Dung biến mất thật bất ngờ cũng như lúc thầy đã đến.  Không kèn không trống, không báo trước, không có lễ tiễn đưa, chẳng một ai trong chúng tôi biết.  Một buổi sáng, giờ Việt văn, một giáo sư lạ bước vào lớp, hỏi thầy Dung đã dạy đến đâu.  Chẳng có đứa nào trả lời được vì thầy hứng đề tài nào thì dạy đề tài đó, chúng tôi làm sao biết được.  Lúc ấy chúng tôi mới thấy tiếc thầy, nhưng ai cũng tưởng thầy bị đau, chỉ nghỉ vài ngày.  Nào ngờ, thầy biến mất thật.  Từ hôm đó trở đi, chúng tôi chẳng còn bao giờ gặp được thầy Dung nữa...
Ôi, tiếc nối thôi là tiếc nối...
Chỉ không đầy một năm sau, chúng tôi đọc được những bài thầy viết trên các tờ báo lớn như Chính Luận, Xây Dựng vân vân.  Mãi cho đến lúc đó, chúng tôi mới biết rằng mình may mắn được một người có tên tuổi như Cao Thế Dung dạy.  Thật đáng hãnh diện biết bao.  Sau đó, thầy viết cả những cuốn sách nổi tiếng khác như “Làm thế nào để giết một Tổng Thống”, “Nhật Ký Đỗ Thọ” vân vân.  Cuốn nào cũng hay, làm tôi đọc say mê.
Rồi tôi vào lính.  Rồi mất nước...
Ngay từ những năm đầu tiên ở Mỹ, tôi bắt đầu được đọc thầy viết trên những tờ báo ở Hoa Thịnh Đốn với bút hiệu Hà Nhân Văn, và thầy có xuất bản cả sách nữa.  Mãi đến năm 1992, thầy có dịp về New Orleans, ngụ tại nhà Lê Hồng Thanh, khu bộ trưởng của LMDCVN,  tôi có dịp đến gặp thầy và dự vài buổi tiệc với thầy.  Nhớ mãi hôm đó, có cả nhà thơ Nguyễn Lập Đông.  NLĐ và thầy ngồi bàn về thơ Lục Bát làm mọi người ngồi nghe thật sướng.  Thầy bảo thơ Lục Bát coi tuy dễ làm, nhưng làm hay thì thật là khó.  Thầy lại đem Nguyễn Du ra dẩn giải làm tôi lại nhớ đến những buổi chiều vàng ở trường La San Ban Mê Thuột năm nào.  Cuối cùng, thầy khen thơ lục bát của Nguyễn Lập Đông rất hay, làm cu cậu sướng rên người.  Làm tôi cũng ... sướng theo vì có một thằng bạn làm thơ tới quá.
Tôi biết thầy khen thật vì thầy là con người thẳng thắn, chẳng cần lấy lòng ai.
Mới gặp tôi, thầy nhớ ra tôi ngay, hỏi thăm bố mẹ và gia đình tôi.  Tôi được ngồi tâm sự với thầy khá lâu.  Tôi hỏi thầy viết như thế nào, đánh máy hay sử dụng computer.  Thầy cười, trả lời, thầy vẫn còn viết bằng tay và sẽ không bao giờ đổi.  Thầy bảo, ở Việt Nam có lần thầy đã viết thử bằng bàn đánh máy, nhưng không thể nào viết được vì ... chữ trong đầu nó không chịu bò ra bàn đánh máy.
Hình như đó là năm 1992 thì phải.  Sau đó, tôi chằng còn bao giờ được gặp lại thầy.  Không được gặp nhưng tôi luôn luôn theo dõi những vài viết, những cuốn sách thầy viết.  Khi phong trào internet thịnh hành, tôi vẫn theo dõi những bài của thầy đăng trên net.
Nhưng mấy năm sau cùng đây, sức làm việc của thầy bắt đầu thấy yếu dần.  Lâu lâu tôi mới thấy một bài của thầy...
Cho đến hôm nay, khi được tin của anh Trương Sĩ Lương cho biết thầy đã ra đi, tôi ngậm ngùi.  Ngậm ngùi nhưng không buồn vì biết rằng, cuộc đời này, ai trong chúng ta rồi cũng sẽ đến một ngày như thế cả.  Một trong những bi kịch to lớn nhất của con người là sự rũ áo ra đi mà.  Ra đi trong hoàn cảnh nào cũng thế.  Hễ ra đi là buồn rồi.  Có khác chăng là sớm hay muộn.  Khác chăng là ra đi mà được người người nối tiếc hay bị nguyền rủa thống hận.  Khác chăng là con cái mình sẽ được hưởng cái danh thơm tiếng tốt của mình hay phải tủi nhục suốt đời vì những chuyện mình đã làm.  Khác chăng là khi xuống dưới Suối Vàng, mình còn có can đãm nhìn mặt tổ tiên mà rập đầu quỳ lạy hay phải hỗ thẹn bỏ đi trốn vì mình đã làm thằng bán nước, bán bạn bè anh em.  Cuối cùng, khác chăng là, những ngày mình còn sống, mình đã làm được gì cho tổ quốc, cho đồng bào, cho anh em, hay chỉ là một thằng ăn nhậu nói phét, cướp vợ đàn em, trở về quỳ lạy kẻ thù cũ, làm ô danh giòng họ đến muôn đời muôn kiếp...
Thầy Dung kính mến,
Thầy ra đi, em ngậm ngùi tiếc nhớ thầy.  Nhớ lại những hạt mầm yêu nước thầy đã gieo vào lòng chúng em ở trường La San Ban Mê Thuột năm nào.  “Đừng nghĩ thằng Mỹ nó yêu thương đất nước mình.  Chúng nó đến đây vì quyền lợi của chúng nó.  Một ngày nào đó, chúng nó sẽ ra đi.  Các em nên nhớ, không có ai yêu thương đất nước mình bằng người Việt Nam mình cả.  Nếu các em không yêu thương đất nước mình thì các em mong đợi ai sẽ yêu thương đất nước mình đây?”  Thầy dạy chúng em nhiều lần như vậy.
Cuộc đời của thầy là một cuộc đời tranh đấu chống Cộng sản bạo tàn và chống luôn cả những bất công tham nhũng.  Trước sau như một, thầy đã thể hiện tấm long trung trinh với tổ quốc.  Thầy không đi lính nên không bắn được một viên đạn nào để giết kẻ thù, nhưng sự nghiệp văn chương của thầy, sự tận tâm dạy dỗ của thầy, đã vạch rõ và báo động cho nhân dân miền Nam biết sự tàn bạo dối trá của bọn Cộng sản, làm cho chúng em biết yêu thương tổ quốc và tin tưởng vào tương lai của dân tộc.
Chiều nay, sau khi được tin thầy Dung mất, tôi có chuyện cần phải lái xe đi.  Dừng xe ở một trạm đèn đỏ, tôi tự dưng nghiêng người ra cửa và đưa mắt lên nhìn trời, và chợt trông thấy những đám mây trắng đang chập chùng trên cao...
Đã hơn bốn chục năm rồi, kể từ khi không còn được lái tàu bay, tôi đâm ra ghét mây kinh khủng.  Ngày xưa, tôi luôn luôn nhìn chúng nó trước khi cất cánh để ước lượng xem thử mình sẽ lái tàu, bay bên trên chúng nó, xuyên qua chúng nó, hay bay dưới chúng nó để tới mục tiêu.  Ai đã từng lái tàu bay thì phải biết là Mây có tới 9 loại và nhiều màu sắc, nhiều cao độ.  Mây luôn luôn thay đổi biến hóa và nhiều khi cũng nguy hiểm tàn độc như con người.  Phi công nào coi thường mây, liều lĩnh xách tàu chui vào thì có ngày sẽ chết mất xác.  Đã 40 năm tôi không còn nhìn mây nữa—dù ngày xưa chẳng ưa gì chúng nó nhưng ít nhất chúng nó cũng còn là bầu bạn, gặp gỡ nhau hằng ngày, trong những bầu trời bập bùng lửa đạn hay những ngày lặng im tiếng súng.  Nhưng bây giờ thì đã “nghìn trùng xa cách”, cho nên, mỗi lần nhìn lên chúng nó là mỗi lần thấy xót xa đau đớn trong lòng vô cùng vô tận.  Cuối cùng thì đừng thèm nhìn chúng nó là tốt hơn cả.
Nhưng hôm nay, thầy Dung chết, tôi bỗng lơ đãng nhìn lên những áng mây thật trắng, bay rất là đà và hiền lành dễ thương trong bầu trời xanh của nước Mỹ, nơi chưa bao giờ có đạn bom và hận thù như quê hương mình.  Và tôi thấy, trong một đám mây nào đó, làm như có hình ảnh của một Cao Thế Dung, thầy tôi ngày xưa...

Thầy bình dị nhưng cao cả làm sao.  Thầy hiền lành nhưng bất khuất làm sao...
 
Viết cho thầy,
Trường Sơn Lê xuân Nhị, Học Sinh La San Ban Mê Thuột
New Orleans những ngày vào thu
11/5/2017

Wednesday, November 1, 2017

Tự truyện của Nguyễn Thế Tân

Tôi được vào lớp Đệ thất 1 niên khóa 1956-1957 khi cơ sở trường Phan Bội Châu mới vừa xây cất xong. Lớp tôi có 65 nam sinh do anh Phạm Quỳnh Châu làm liên đội trưởng và anh Võ Linh Nghiệm làm liên đội phó.

Khác với bậc tiểu học, niên khóa đầu tiên này, chúng tôi được học thêm hai môn nhạc và vẽ. Thích nhất của tôi vào thời ấy là: trong giờ nhạc chúng tôi được xem cái máy đánh nhịp đong đưa qua lại, gõ kêu như quả lắc đồng hồ. Trong giờ nhạc, chúng tôi cũng được thầy cho luyện tập bằng cây thước bảng gỗ gõ vào bàn của thầy để kiểm tra, để tập xướng âm và hát cho đúng nhịp. Phần lớn chúng tôi đều gõ sai nhịp, do run sợ nên đã gõ liên hồi như thầy chùa gõ mõ, tụng kinh. Nhưng lần này thầy và cả lớp cùng cười, những nụ cười đầy cảm thông chia sẻ những vụng về của tuổi thơ.
    Rồi đến giờ vẽ, chúng tôi thích nhất là giờ kiểm tra các bản vẽ của toàn lớp. Tất cả các bản vẽ này đếu được treo lên bảng công khai bạch nhật, để cùng nhau trao đổi mỹ thuật, so sánh cái hay cái dở của từng bản vẽ trong môn hội họa đầy ấn tượng này, để thầy có cơ sở chấm điểm công khai.
          Năm học đầu tiên, chúng tôi được học hai buổi sáng chiều. Thời ấy các phong trào thể thao, văn nghệ cũng được phát triển mạnh. Chúng tôi cùng ngồi ca hát, nhảy múa, diễn kịch quanh ánh lửa bập bùng trong những đêm cắm trại xa trường.
    Sau ngày bãi trường đầu tiên ở lớp Đệ thất, anh Phạm Quỳnh Châu và anh Nguyễn Công Thành đề xướng dùng thời gian nghỉ hè để làm tập san”Bình Minh Thất 1”. Tập san này ra đời không có nguồn tài chánh nào hỗ trợ, mà do các thành viên trong lớp chúng tôi tự bỏ tiền ra đóng góp. Thời đó làm gì mà có tiền in ấn và có máy quay ronéo, nên mặt bìa và các trang báo trong tập san rất thô thiển từ nét vẽ đến nét chấm phá, lẫn màu sắc cũng không được đẹp cho lắm. Tôi viết chữ đẹp nên được anh Nguyễn Công Thành phân công viết bản thảo bằng ngòi viết bắp chuối chấm mực in để có nét chữ lớn rõ và đậm cho dễ đọc. Phần chính là cách trang trí các trang báo và các hình vẽ, anh Châu, anh Nghiệm và anh Thành thực hiện. Viết bản thảo xong tôi phải đọc lại, dò soát từng câu, từng chữ để tránh sai sót, và xếp đặt các bản thảo ngăn nắp nơi khô ráo tránh lem luốc. Về in ấn, chúng tôi dùng bột năng, bột mì, pha trộn với chút ít bột gạo rồi nhào nặn với nước. Sau đó chúng tôi cán ra để độ dày tối thiểu bằng một lóng tay làm nền in. nền này, căn bản phải bằng phẳng và trắng không một vết dơ nào có trên mặt, nền bột không được nhão hoặc khô. Cái khó nhất của người đứng ra in ấn là phải kiên trì và đều tay, vì khi đặt bản thảo xuống nền bột, hai tay phải đồng bộ và đều, nhẹ tay vuốt bản thảo cho êm và sâu để bản in được đậm mực trong nền bột, sau đó gỡ nhẹ ra cho đều, tránh rách giấy và nhăn nhó. Mỗi bản thảo trên nền bột chỉ in ra được khoảng 15 bản rõ chữ, càng in về sau, chữ và hình ảnh càng mờ nhạt. Khi in không còn rõ chữ, chúng tôi phá nền bột cũ, đổ nước cho mực chảy hết, thêm bột, nhào nặn làm nền khác để in tiếp.
       Rồi tập san ”Bình Minh Thất 1” cũng được ra đời, trong đó cũng chất chứa những truyện phiếm, hý họa, ký sự bằng những cây bút non nớt, rặt mùi học trò. Trong cuốn đặc san này hầu hết bài nào cũng hay và cũng chất lượng, chỉ có bài viết của tôi là chưa được hoàn chỉnh vì không biết chải chuốt câu văn và dùng từ hoa mỹ, nhưng nó lại có hồn hơn các bài khác vì chủ đề”lưu bút ngày xanh”của tôi mang đầy ắp kỷ niệm vui buồn của năm học mà  bạn bè đã ghi lại trong quyển ký ức này trong ngày bãi trường.
      Mùa tựu trường năm sau, chúng tôi được ngồi vào lớp Đệ lục 4. Sĩ số học sinh có thay đổi đôi chút vì vài đứa bạn phải rời bỏ mái trường thân yêu để theo gia đình đi xa. Có đứa phải nghỉ học vĩnh viễn để tìm kế sống ở miền quê.
 Năm nay, lớp chúng tôi có thêm được nhiều thầy cô mới đến dạy. Phong trào văn thể cũng được thầy Hiệu trưởng Lê Tá và thầy Tổng giám thị Vĩnh Giên tích cực đẩy lên đỉnh cao. Chúng tôi tha hồ tranh giải bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ và biểu diễn kịch nghệ, ca hát dưới ánh lửa bập bùng trong những ngày cắm trại ở Hố Lở, ở đồi Ngọc Lâm và ở núi Tà cú.
        Trong lớp học, các thầy cô mới đổi về, nổi bật nhất là thầy Hồ Thế Viên dạy Văn, thầy đã gây nhiều ấn tượng và niềm vui hào hứng nhất cho chúng tôi. Thầy biến lớp học thành sân khấu. Thầy bắt chúng tôi đóng kịch, diễn xuất các vai trong các bài thơ ngụ ngôn nổi tiếng của La Fontaine. Trong một bài thơ diễn tả cảnh phân xử giữa hai người tranh nhau một con sò, Nguyễn Thúc Soại, bạn của chúng tôi, là người đóng vai quan tòa, cách diễn xuất thật hoàn chỉnh khi nét mặt của Soại luôn luôn trầm tĩnh, nhưng cũng có lúc hét lên những tiếng lớn gay gắt thì tay vỗ bàn, chân dậm đất thật đúng với phong cách hách dịch của quan tòa. Trông bộ dạng diễn xuất của Soại, thầy trò chúng tôi vui nhộn và phải một phen cười hả hê, đến nay tôi vẫn còn nhớ rõ kỷ niệm này.
     
       Không rõ lý do nào mà năm ấy, tôi học ít, đi chơi nhiều. Tôi đam mê đá banh, tắm biển và đi về miền quê xa hái trái cây, bắt dế. Tối dạo phố, ngồi bờ sông xem mọi người câu cá. Tôi ít khi thuộc bài, còn làm bài thì thường hay ngó trộm bạn bè để cóp pi. Kết quả cuối năm đã làm cho tôi giật mình. Điểm trung bình của tôi cả năm chỉ có 8, 50 / 20. Tôi phải thi lên lớp. Sợ cha mẹ đánh đòn vì biếng học, nên tôi liều, tự ý sửa điểm trong thông tín bạ từ 8, 50 lên 10, 50 / 20. Bị liên đội trưởng phát hiện, nhà trường bắt tôi phải thi lên lớp và đuổi học một tháng trong niên học mới. Nhập học, tôi thi lên lớp đủ điểm và được lên lớp.
 Ngày khai trường năm ấy, các bạn tôi nhập học đầy đủ, còn tôi thì bị kỷ luật, phải nhập học trễ hơn một tháng. May thay, tôi gặp được thầy Vĩnh Giên, tôi năn nỉ thầy giúp đỡ cho tôi đi học sớm, để theo kịp bạn bè. Thương tôi, tuần lễ sau, thầy can thiệp để cho tôi vào học sớm 20 ngày. Thầy Vĩnh Giên dắt tôi vào học lớp đệ ngũ 4 để học. Lúc này, lòng tôi se thắt lại và ngỡ ngàng, các bạn bè cùng học năm Đệ lục 4 với tôi, nay đã chuyển sang các lớp khác hết phân nửa, do nhà trường phân chia, cân đối lại các lớp mới theo sinh ngữ chính Anh hoặc Pháp vì các năm trước chúng tôi học hai ngoại ngữ Anh và Pháp, năm nay chỉ học một ngoại ngữ là Anh hoặc Pháp mà thôi.
Một điều làm tôi ngạc nhiên nhất là năm nay lớp nào cũng có cả học sinh nam và nữ học chung. Sau này nghĩ lại đây là dịp may cho tôi thoát khỏi căn bệnh ham chơi, lười biếng học bài. Tôi không còn dám lì lợm để”đứng chào cờ”mỗi khi trả bài nữa, và cũng vì năm nay tôi đã lớn, biết mắc cỡ với các bạn nữ sinh. Năm nay, nhà trường còn đặt ra cái băng tay, trong  đó có ghi tên họ và lớp, bắt mọi học sinh phải cài lên áo, để nhà trường dễ kiểm soát. Ai không đeo là vi phạm nội qui của trường, từ đó trong đám học sinh có 4 câu thơ :
           Thân em nho nhỏ mà xinh
           Không em một mình, anh học sao yên
          Vào trường nếu gặp thầy Giên
         Cho anh lãnh đủ hai viên tròn tròn

           Tôi vào học trễ hơn các bạn gần hai tuần lễ, nên các bài dạy của các thầy cô vẫn còn nằm ngổn ngang phía trước đối với tôi rất nhiều, bắt buộc tôi phải phấn đấu tìm bạn bè để xin chép lại bài vở cho đầy đủ, để học cho theo kịp các bạn.
      Một buổi trưa, tôi mạnh dạn đến nhà trọ của Lưu Thị Hồng Anh, người bạn gái cùng lớp nhỏ hơn tôi hai tuổi, để mượn bài vở chép lại. Gia đình Hồng Anh ở tận Ma Lâm cách Phan thiết 16 km, nên khi xuống tỉnh học Hồng Anh phải ở trọ tại nhà người bà con ở trong một con hẻm cách nhà tôi chừng 500 m. Căn nhà trọ này, ngoài nhà ở, còn có một lớp học, nằm bên trong một cái chái vách ván, nóc lợp tôn, trong đó chứa chừng mươi bộ bàn ghế cũ để dạy tư học trò bậc tiểu học trong xóm, chủ nhà trọ là thầy cô giáo làng, rất hiền lành, và chị giúp việc cũng lớn hơn tôi chừng mươi tuổi. Các người trong nhà lúc nào cũng niềm nở, chuyện trò vui vẻ với tôi mỗi khi tôi đến giao tiếp với Hồng Anh. Lúc đầu, tôi còn ngỡ ngàng, mượn vở về nhà chép, nhiều lần đến tôi trở thành quen, rồi tôi đem một chồng vở vào ngồi ở lớp học chép bài trong các giờ nghỉ. Lắm lúc sau này, ban đêm rảnh, tôi cũng thường tới chơi, gặp Hồng Anh trò chuyện và nhờ cô bạn chỉ bài cho tôi. Khung cảnh đầm ấm này, tôi trở thành người thân của gia đình, tôi được Hồng Anh và mọi người quý mến.
       

      Rồi cứ mỗi chiều Chúa nhật, tôi xuống đây thật sớm, để chờ Hồng Anh từ Ma Lâm xuống cho tôi mượn bài tập để chép và giảng giải lại những bài tôi còn thắc mắc mà ở lớp học tôi chưa được hiểu tường tận. Nhờ vậy, mà một thời gian sau tôi học tiến bộ, tiến gần kịp với các bạn trong lớp. Một hôm, vào ngày Noel, tình cờ tôi được Hồng Anh tặng cho tôi một thiệp mừng Giáng sinh (Hồng Anh theo đạo Tin Lành), mặt trước của thiệp là hình Chúa Hài đồng rất đẹp. Bên trong có những giòng chữ xinh đẹp của Hồng Anh ”Mến tặng Nguyễn Thế Tân, người bạn cùng lớp”. Rồi gần Tết, tôi cũng được Hồng Anh tặng thiệp mừng xuân. Nhờ Hồng Anh, mà năm nay tôi đã giảm đi chơi và bắt đầu chú tâm vào việc học, nên cuối năm Đệ Ngũ 4 tôi thừa điểm để lên Đệ Tứ.
        Mùa hè đã trôi qua được gần một tháng. Lâu quá không gặp Hồng Anh, tôi lên Ma Lâm bằng xe lam để thăm Hồng Anh. Gặp tôi, Hồng Anh mừng lắm, tôi lại giường thăm mẹ Hồng Anh đang bệnh, và cầu mong ơn trên ban phước lành để bà mau hết bệnh. Chơi ở đây chừng một tiếng tôi cáo từ ra về.
           Ngày bãi trường của năm Đệ Ngũ 4, một lần nữa anh Phạm Quỳnh Châu và anh Nguyễn Công Thành lại mời tôi cộng tác để ra tập san ”Tiếng Thơ”. Qua kinh nghiệm cách làm tập san lần trước, lần này tập san ”Tiếng Thơ”ra đời sớm hơn dự định. Trong tập san này, tôi có hai trang để viết bài ”Mùa phượng vĩ”. Anh Châu và anh Thành cho biết bài vở của tôi lần này có tiến bộ nhiều, trong đó có 2 câu thơ tôi đặt mà ngày nay tôi vẫn còn nhớ.
              Bình Minh Thất một ra đời
              Tiếng Thơ Ngũ bốn cách vời hai niên

           Rồi đến mùa khai trường, tôi được lên lớp Đệ Tứ 4, bao nhiêu bạn bè chúng tôi dốc hết sức mình vào kỳ thi Trung học đệ nhất cấp. Lần này tôi chơi ít, học nhiều. Được người chú học ở Sài gòn gởi về cho tôi sách vở, tài liệu luyện thi, lúc đó tôi có thêm bạn  Nguyễn Duy Điểu nhập nhóm cùng học thi. Chúng tôi đã làm hết các bài tập Toán, Lý, Hóa và Anh văn trong tài liệu chú tôi gởi về. Bên cạnh đó tôi cũng được Hồng Anh chỉ dẫn thêm. Kết quả kỳ thi năm đó chúng tôi đều trúng tuyển ở kỳ thi 2.
      Đậu xong, được lên Đệ Tam A, Hồng Anh, Điểu và tôi tiếp tục học chung. Đã có căn bản về các môn Toán, Lý, Hóa, Anh, tôi rất thích học và không còn ham chơi nữa. Năm Đệ Tam A là năm dưỡng sức, việc học bình thường. Điểu và tôi được nhà trường cử đi thi điền kinh cùng với các bộ môn khác như bóng đá, bóng rổ do thầy Vũ Ngô Hoằng dìu dắt đi Nha Trang thi. Tất cả các bộ môn thi đều không đạt, chỉ duy nhất Nguyễn Duy Điểu đoạt huy chương vàng ở bộ môn điền kinh chạy 1500 m. Tiếng hoan hô Điểu khi chạy về nhất vang dội tưởng chừng như vỡ cả hội trường. Lớp của chúng tôi đoạt chức vô địch bóng đá của trường mà tôi là thủ môn của đội bóng.
      Rồi ba tháng hè cũng trôi qua, bước vào năm học Đệ Nhị A, chúng tôi lại dồn sức để học thi Tú tài 1. Học được 2 tháng thì mẹ tôi là cô giáo được đổi về dạy học ở ngay trung tâm Sài gòn. Lúc này Điểu, Khoa (em ruột tôi) và tôi ở chung tại nhà tôi. Tháng thứ ba, tôi xin giấy chứng nhận của trường Phan Bội Châu để chuyển về Sài gòn học.
         Vào Sài gòn, tôi bỏ ban A, chuyển sang ban Toán B, ở đây tôi học trường tư thục Quốc Anh, chiều và tối học luyện thi ở trường Văn Lang và Việt Nam học đường. May mắn cho tôi, những bài luyện thi của các trường này đều trúng tủ trong kỳ thi. Tôi rớt kỳ 1, nhưng đậu kỳ 2 Tú Tài 1 ban B.
          Năm sau, tôi tiếp tục học Đệ Nhất ban B trường Văn Học của giáo sư Trần Bích Lan (nhà thơ Nguyên Sa). Niên học này tôi học chung với chị Lê Thị Thanh Lan (chị ruột Lê Thiệu Hùng) mãi nhiều năm sau mới biết học chung với cả Lê Quang Chiêu, sở dĩ như vậy vì mặc dù hai người đều học chung trường với nhau từ năm lớp Đệ Thất, nhưng hai người học khác lớp, Chiêu học Đệ Thất 3 ở trường cũ đường Trần Hưng Đạo, tôi học ở trường mới, rồi khi hai lớp ở trường cũ chuyển về trường mới, chúng tôi cũng không học chung và không biết nhau.
           Tốt nghiệp Tú Tài 2, tôi lại tốt nghiệp trường trung cấp ngành viễn thông quân đội. Một thời gian dài sau đó, chúng tôi mỗi người đi một nơi, đầu năm 1996, tôi về Phan Thiết chơi, ghé Phú Hội dể thăm vợ chồng Nguyễn Văn Xít và Nguyễn Thị Duyên. Tôi không gặp Hồng Anh đã lâu, biết Duyên rất thân với Hồng Anh, tôi hỏi thăm tin tức của Hồng Anh thì được Duyên cho biết Ngọc Diệp mới gặp Hồng Anh ở Phan thiết. Hiện nay Hồng Anh là một ni sư Phật giáo. Duyên khuyên tôi nên trực tiếp gặp Ngọc Diệp để biết rõ hơn vì hai người học chung khóa Nữ hộ sinh quốc gia. Tôi xuống Bình Hưng ghé nhà gặp Ngọc Diệp. Nhiều năm xa cách hai người gặp nhau rất mừng. Tôi hỏi tin tức Hồng Anh thì Ngọc Diệp cũng nói như Duyên. Chúng tôi trao đổi nhau số điện thoại và và số nhà để tiện liên lạc.
Một tháng sau, tôi nhận được thư của Ngọc Diệp cho biết hiện nay Hồng Anh đang sống ở Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, nếu đi thăm cứ vào các gian hàng bán vải ở chợ Đồng Xoài hỏi Hồng Anh người Phan Thiết thì ai cũng biết.
         Mừng quá, nên một buổi sáng, từ Sài Gòn tôi đáp xe khách nhỏ, tài nhất đi Đồng xoài. Tới các tiệm vải trong chợ hỏi, thời may gặp ngay chủ sạp là bạn thân của Hồng Anh, cùng lúc đó con gái của Hồng Anh đi qua, chủ sạp gọi lại, nhờ đưa tôi đi gặp mẹ cô. Đến nơi, một tịnh thất bằng gạch nhỏ xinh, tôi gặp một Hồng Anh ni cô mặc áo nâu, đang tưới hoa trồng chung quanh tịnh thất của mình. Hồng Anh không nhận ra tôi vì hai người xa cách nhau đã 35 năm, tôi bây giờ đã thay đổi rất nhiều, nên tôi phải giới thiệu, bấy giờ Hồng Anh mới nhận ra tôi, nên rất mừng. Hồng Anh tu một mình trong tịnh thất này, trong tịnh thất trang hoàng trang nhã, bàn thờ Phật rất tôn nghiêm, tôi lạy Phật và chuyện trò với Hồng Anh suốt 2 giờ đồng hồ để ôn lại kỷ niệm thời học ở trường Phan Bội Châu. Ra về, tôi được Hồng Anh tặng cho một cuốn kinh Phật viết song ngữ Anh – Việt, tác giả là một vị thiền sư người nước ngoài.
       Quả thật trời không phụ lòng người, từ sài gòn về Đồng Xoài chỉ một lần tôi đã gặp được Hồng Anh, người bạn cũ rất thân. Về đến nhà, niềm thương nhớ bạn dâng tràn. Tôi thức suốt đêm đó viết cho Hồng Anh một bức thư dài 8 trang, ôn lại ký ức xưa, trong đó tôi không quên cám ơn Hồng Anh đã hướng dẫn tôi học và làm bài, từ đó làm bệ phóng cho tôi đậu Tú tài 2 để sau đó tốt nghiệp trung cấp Viễn thông, nhờ đó tôi được bình yên sống sót cho đến bây giờ, qua giai đoạn chiến tranh khốc liệt, tôi cũng mời Hồng Anh, nếu có dịp ghé thăm nhà tôi.
       Một tháng sau, tôi nhận được thư của Hồng Anh dài 6 trang, trong đó ghi nhận lại hồi ức thời áo trắng thật trân quí, cao thượng và ngọt ngào ờ trường Phan Bội Châu thân yêu. Hồng Anh khuyên tôi sống với chánh niệm hiện tại và nên gia nhập một đạo tràng để tu học làm hành trang tốt lành cho kiếp sau. Lá thư viết chữ rất đẹp, nên tôi photocopy nhiều bản, gởi cho Ngọc Diệp ở Phan Thiết, và gởi cho các con tôi, ai cũng khen ngợi chữ viết đẹp, lời văn nhiều tình cảm trong sáng và cao thượng.
        Tháng sau, trong lúc tôi đang tưới cây trong vườn nhãn, thì thấy từ xa hai ni cô đang tới gần, nhìn kỹ thì ra Hồng Anh và một ni cô nhiều tuổi, vợ chồng tôi vui mừng tiếp đón và mời dùng cơm chay. Tối lại, bên cạnh bình trà, đĩa bánh ngọt, tôi và Hồng Anh lại ôn lại chuyện cũ, hết chuyện này đến chuyện khác, đến khi nghe tiếng gà gáy canh tư mới chấm dứt đi nghỉ.
         Sáng hôm sau, hai ni cô từ giã gia đình tôi trở về Đồng xoài, người ở lại và người đi đều bịn rịn, chạnh lòng.
Tháng 9 / 2003, lúc tôi đi vắng về, em tôi cho biết có bạn Dương Tấn Quí tới thăm và hỏi thăm về Hồng Anh vì biết chỉ mình tôi biết nơi ở của cô bạn ấy, mặc dù Quí là anh họ Hồng Anh, nhưng vì từ khi xa xứ, Hồng Anh rất ít về quê cho nên không ai biết ở đâu để liên lạc.
          Một hôm, tôi từ Bà Rịa lên thăm con ở Sài gòn thì Quí gọi điện thoại rủ tôi cùng đi tới nhà Hồng Anh, tôi nhận lời, thì ngay lúc 18 giờ chiều hôm đó Quí chạy xe gắn máy tới nhà rủ tôi đi, bao nhiêu người đều ngăn cản bảo bây giờ gần tối rồi để mai hãy đi, nhưng tôi và Quí vẫn đi.
   Quí chạy xe rất tốt, chạy nhanh nhưng tay lái vẫn vững. Trời tối dần, rồi tối đen, bầu trời chỉ còn các vì sao lóng lánh, chúng tôi đi qua hàng chục cây số hai bên đường chỉ toàn cây cao su, không một bóng người, hai đứa sợ bị cướp xe, tôi nghe rõ tiếng Quí lẩm bẩm luôn trong miệng ”án ma ni bát di hồng”.
       8 giờ tối, chúng tôi bình yên đến chợ Đồng Xoài, nhưng con đường vào nhà Hồng Anh nay đã khác trước, văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng tại đây, cảnh vật thay đổi rất nhiều, chúng tôi không tìm thấy nhà Hồng Anh nữa, vì vậy chúng tôi phải tìm phòng trọ nghỉ qua đêm. Bỗng Quí có ý kiến, Hồng Anh là ni cô, chúng ta tới các chùa hỏi hy vọng tìm ra nhà, trên đường tìm nhà trọ, chúng tôi thấy một ngôi chùa, nhưng vì đã khuya nên cổng chùa đóng, may thay có một nữ Phật tử đi xe gắn máy đi qua, thấy chúng tôi đứng xớ rớ trước cổng chùa, bèn dừng xe lại hỏi thăm. Tôi nói tôi là anh của sư cô Hương Quang (Pháp danh của Hồng Anh), tới nhà cũ thì đã dời đi rồi, không biết tìm ở đâu nên định vào chùa hỏi thăm, nhưng cổng chùa đã đóng. Một lần nữa chúng tôi lại gặp may vì người đó là người quen của Hồng Anh, nên đã đưa chúng tôi tới cửa tiệm của người con gái Hồng Anh, cô này nhận ra tôi vì lần trước tôi đã gặp cô tại tịnh thất của mẹ cô. Sau đó cô gái đã đưa chúng tôi về nhà mới của mẹ cô. Để dành sự ngạc nhiên cho Hồng Anh, tôi để Quí vào nhà trước, Hồng Anh ngỡ ngàng, không biết vì đâu Quí lại biết đến đây, mấy chục năm xa cách anh em hôm nay mới được trùng phùng, thật hạnh phúc. Anh em Quí nói chuyện chừng 10 phút, Quí ra ngoài dắt tôi vào, gặp tôi lần này Hồng Anh thắc mắc làm sao chúng tôi tìm được nhà mới này, chúng tôi bèn nói là do Trời Phật chứng giám cho lòng thành của chúng tôi quyết chí tìm cho được Hồng Anh.
     Sau khi con gái Hồng Anh dọn cơm cho chúng tôi ăn, trời đã khuya, Quí quá mệt do chạy xe trên trăm cây số, tinh thần lại căng thẳng, nên ăn xong là ngủ ngay trên võng đến sáng, còn tôi và Hồng Anh lại một đêm nữa thức trắng để hàn huyên, đến khi tiếng chuông chùa công phu sáng vang lên hai chúng tôi mới đi nghỉ lưng. Nghe tiếng ngáy của Quí, tôi nghĩ mông lung và thiếp đi lúc nào không hay. Sáng ra, sau khi ăn sáng, chúng tôi chia tay Hồng Anh về lại Sài Gòn, chúng tôi mỗi người được Hồng Anh tặng ba cuốn kinh Phật.
    Từ đó đến nay đã 12 năm trôi qua tôi không có dịp thăm lại Hồng Anh và không gặp lại Quí. Thời gian trôi qua nhanh như nước chảy qua cầu, Mới ngày nào chúng ta còn bỡ ngỡ bước chân vào mái trường Phan Bội Châu, vậy mà đã 60 năm trôi qua và nay chúng ta ai cũng”cổ lai hy“, các bạn người còn, người mất, người còn thì tóc đã bạc, sức khỏe đã kém, có bạn mắt đã mờ, tai đã phải nói to mới nghe rõ, chân đã chậm, nhưng với tôi, trời phú cho, chân tay vẫn mạnh khỏe, tai, mũi vẫn còn tỏ tường, mắt chưa cần đeo kiếng, tuy nhiên hoàn cảnh của tôi hơi đặc biệt vì thường xuyên ở nhà một mình giữa vườn cây trái vắng vẻ, láng giềng không ở gần bên và con cháu cũng đều ở xa. Bà xã vì thương con, thương cháu nên cũng thường đi thăm và ở với chúng nó, vì vậy bả ít khi có mặt ở nhà, nên mọi công việc ở nhà đều do một mình tôi đảm đương.
         Tôi có hai niềm vui, thứ nhất là đọc sách, thứ hai là được nói chuyện tán gẫu với bạn bè, nhưng vì tôi ở Bà rịa, miền quê vắng vẻ, các bạn thân học chung trường, chung lớp từ xưa không ai ở gần tôi cả, nên ngoài việc thường xuyên gọi điện thoại cho các bạn, thỉnh thoảng có dịp tôi lại ghé về Sài Gòn vui với các bạn một buổi, sở dĩ tôi nói các bạn là vì mỗi khi lên Sài Gòn tôi thường ngủ nghỉ ở nhà Điểu và khi tôi đến thì Điểu gọi điện thoại hẹn là nhiều bạn có mặt ăn uống vui chơi ở một nơi nào đó ngay.
    Tôi được biết đã nhiều năm cứ đến giao thừa là vợ chồng Chiêu thường đi xông (đạp) đất đầu năm nhà các bạn Son, có năm tới nhà Điểu, và nhà Nghệ. Ở nhà Nghệ các bạn vui vẻ chuyện trò, đánh bài”xì dách” đầu năm, mà mỗi người đàn ông làm cái 5 ván đến hết tua mới nghỉ, vì vậy có năm đến tận gần 3 giờ sáng, để xem hên xui thế nào, biết được việc đó nên đã 3 năm nay tôi đều tới nhà Điểu từ chiều 30 Tết, để đến khi giao thừa hai chúng tới ngay nhà Nghệ đón vợ chồng Chiêu, vợ chồng Son, và chúng tôi chúc tết lẫn nhau thật vui vẻ.
     Tôi lại được biết một điều nữa là cũng đã nhiều năm nay gia đình Cẩn có thông lệ, tối mùng 2 Tết mời họp mặt vợ chồng các bạn Tài, Thăng, Điểu, Chiêu, Son, Nghệ tại nhà ăn uống, chúc mừng nhau, bao nhiêu chuyện vui kể cho nhau nghe, Cẩn múa bút đầu năm, tặng chúng tôi những câu ”lời hay ý đẹp” viết theo lối thư pháp, vì vậy cũng từ 2 năm nay có thêm tôi. Thật hạnh phúc đối với tôi khi còn có sức khỏe để xum họp,vui vẻ với các bạn thân cùng khóa.                                           
                Bao giờ cho đến ngày xưa
                Lúc mà con nhện chưa sa nỗi buồn

  Tặng Thế Tân và Hồng Anh

Đêm Chong Đèn Ngồi Nhớ Lại - Hoàng Công Bình

Năm 2002, Trường tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, năm 2012 kỷ niệm 60 năm. Rồi sẽ đến lúc ky niệm 70, 80 năm…Ở những mốc thời gian đặc biệt này, nhiều người trong chúng ta tự hỏi: Mấy chục năm qua trường THPT Phan Bội Châu Phan Thiết đã làm được gì cho đời và để lại gì trong lòng người, nhất là đối với những người đã từng học tập, từng giảng dạy, từng công tác, từng gắn bó với trường.
         Thực cũng khó để nói được đầy đủ chính xác, bởi thành quả của hoạt động giáo dục trong một quá trình gần trọn đời người, không dễ nói hết được bằng những điều cụ thể. Lao động sư phạm là một loại hình lao động mà sản phẩm không thể đem ra trưng bày, không thể định giá bằng những chuẩn mực cân đo đong đếm, thành tích mà chúng ta nói với nhau cũng chỉ là ước lệ. Thực chất tiềm ẩn trong từng con người được hưởng thụ giáo dục. Dẫu không trực tiếp biến thành xương cốt, thành máu thịt của con người nhưng lại chi phối rất lớn đến sự hình thành tri thức, đi vào tâm hồn vào tình cảm con người, thể hiện nhân cách sống, chất lượng sống của từng con người và của cả xã hội. Hiệu quả của hoạt động giáo dục rất rộng, rất đa dạng, có những hiệu quả thể hiện cụ thể nhưng cũng có những hiệu quả tiềm ẩn khó nhận ra. Tuy vậy, trong một chừng mực tương đối, chúng ta cũng có thể thấy đôi điều trường Phan Bội Châu đã làm được. Ví như, trong chức năng dạy học bậc trung học ở địa phương.
       Căn cứ vào số học sinh vào trường, ra trường trong 60 năm qua thể hiện trong sổ sách còn lưu trữ tại trường, tuy không đầy đủ do một vài năm bị thất lạc nên không thực sự chính xác, nhưng cũng có độ tin cậy.
Số vào trường qua 60 kì tuyển sinh: 48929
Vào lớp 6 :
Từ năm học 1952- 1953 đến năm học 1974-1975: 8846.
Từ năm học 1994-1995 đến năm học 1999-2000: 2592.
Tổng đầu vào lớp 6: 11438.
Vào lớp 10 :
Từ năm 1959-1960 đến năm học 2010-2011: 37491.
     Ngoài số học sinh vào trường qua các kỳ thi tuyển, còn một số không nhỏ học sinh chuyển từ các trường khác đến, có năm số chuyển trường vào rải rác các lớp lên đến 20%-30% số trúng tuyển. Phải chăng đây là biểu hiện của lòng tin của phụ huynh học sinh muốn gởi gắm con em mình cho nhà trường dạy dỗ.
Số học sinh ra trường qua 55 ky tốt nghiệp : 38184
Số ra trường qua ky thi Trung học đệ nhất cấp, Trung học cơ sở: 8248.
Trung học Đệ Nhất cấp (1956-1975) : 5482.
Trung học cơ sở (1994-2003) : 2766. (Từ năm học 1975-1976, đến năm học 1993-1994 trường không có cấp II, trung học đệ nhất cấp)
Số ra trường qua kỳ thi Tú Tài, Tốt nghiệp THPT: 29936.
Chỉ tính riêng số trúng tuyển vào lớp 10, (đệ tam):37491
Số tốt nghiệp Trung Học PhổThông (Tú Tài) : 29936
Tỷ lệ của hiệu quả đào tạo gần 80% là một tỷ lệ khá cao đối với bậc học THPH (TH Đệ nhị cấp)
        Dựa vào những con số trên có thể đánh giá được hiệu quả giáo dục của nhà trường. Song, điều có ý nghĩa hơn, có giá trị và đáng được trân trọng hơn được biểu hiện qua sự lớn lên trong từng cá thể học sinh.
Khi vào trường, là những cô cậu bé vừa học xong cấp một, hoặc hết cấp hai với những hiểu biết cơ sở. Sau một thời gian học tập và rèn luyện ở trường, những cô bé, cậu bé ngày trước đã lớn hẳn lên. Sự lớn lên không chỉ bằng chiều cao, cân nặng, không chỉ bằng những điều học hỏi được qua giáo khoa những môn cơ bản, mà còn qua các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường; có những tiềm năng văn nghệ thể thao, giao lưu và các mối quan hệ xã hội có điều kiện thành năng lực tao nên thành quả chung cho một con người và cho một ngôi trường, trường Phan Bôi Châu. Và, những cô cậu bé ngày trước ấy thoát xác thành những thanh niên tuấn tú, với ”học vị” Tú tài, đủ tri thức đễ học tiếp đại học hoặc cũng vững vàng tự tin đi vào cuộc sống. Đây là nhiệm vụ chính nặng nề mà trường Phan Bội Châu đã hoàn thành, đặc biệt, trong điều kiện có nhiều có khăn.
Nhớ lại buổi ban đầu chỉ với tấm lòng của 14 Thầy giáo không xuất thân từ các trường sư phạm, nhưng lại có lòng yêu nghề dạy học đến tuyệt vời. Xin được trân trọng bày tỏ lòng cảm phục và biêt ơn quý Thầy.


      Chỉ 14 thầy đã phải xoay sở mọi điều từ lập hồ sơ xin phép, mượn cơ sở phòng ốc, tổ chức tuyển sinh, thống nhất chương trình giảng dạy (sự chỉ đạo từ trên ngày ấy rất mờ nhạt), để có được ở Phan Thiết một Trường Trung Học đầu tiên, với tên Trường Trung học Bình Thuận, khai giảng vào ngày 15 tháng 9 năm 1952 tại Trường tiểu học Đức Thắng (nay là trường Tiểu học Đức Thắng 2). Trường có 2 lớp đệ thất (lớp 6) 120 học sinh. Hình ảnh các Thầy, các học sinh trên sân trường trong ngày khai giảng của năm học đầu tiên, nay đã vượt lên hình ảnh của những con người cụ thể thăng hoa thành những giọt nước đầu tiên khởi nguồn cho một dòng chảy-một dòng chảy thân thương chảy suốt 60 năm qua và còn tiếp tục chảy trên quê hương Phan Thiết này. Trong dòng chảy đó có hình ảnh những tà áo dài trắng nữ sinh làm sáng cả con đường Nguyễn Hoàng-Lê Hồng Phong vào những giờ tan học. Trong dòng chảy đó có tiếng hát hồn nhiên ngọt ngào trong những buổi văn nghệ phát thưởng cuối năm tổ chức ở các nhà hát Ngọc Thúy, Lilas hay những đêm văn nghệ mừng ngày nhà giáo 20 tháng 11 tại nhà hát ngoài trường trên quảng trường Nguyễn Tất Thành. Trong dòng chảy đó có không khí sôi nổi của những trận bóng đá giành cúp vô địch các trường trung học Nam Trung Bộ năm 1960, vô địch học sinh trung học phổ thong Bình Thuận trong thập niên 90 của thế kỉ trước. Trong dòng chảy đó có ánh lửa trại bập bùng ở đồi Ngọc Lâm, ở Hố Lở Phú Hội, ở Đồi Dương, ở rừng keo lá tràm Tiến Lợi. Trong dong chảy đó có cả mồ hôi trên công trường thủy lợi Sông Pha, trên đập nước Phú Hội, trên nhà máy điện Hàm Liêm, trên nương rẫy Bình Tú, trên hồ nuôi tôm Vĩnh Thủy. Nhưng đậm đà hơn hết, trong dòng chảy đó vẫn là hình ảnh những lớp học Thầy tận tâm, trò nỗ lực, chăm chỉ miệt mài. Từ đó đến nay đã 60 thế hê học sinh nên người. Thực đáng trân trọng!
        60 năm qua, trường đã thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học bậc trung học ở quê hương Phan Thiết-Bình Thuận. Không ít học sinh xuất thân từ ngôi trường thân thương này đã thành đạt trong đời sống xã hội, không ít đã và đang đảm đương những vai trò quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế. Nhưng quan trọng hơn là hầu hết đã nên Người tử tế, sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với xóm làng, với cộng đồng, với xã hội, gắn bó thủy chung với Trường, luôn nghĩ và nhớ về nhà Trường như nghĩ và nhớ về 1 cội nguồn, luôn nghĩ và nhớ Thầy Cô như nghĩ và nhớ về cha mẹ, luôn nghĩ và nhớ về bạn bè thời đi học như nghĩ và nhớ về anh em ruột thịt. Đó là điều quí báu mà Trường đã làm được. Đó là điểm sáng, tạo nên niềm tin yêu, và tín nhiệm trong lòng người dân Phan Thiết- người dân Bình Thuận. Đó là truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ sau này của Trường phải gìn giữ và phát huy.
      Thực ra mấy năm đầu mới thành lập, với đội ngũ 14 Thầy hầu hết có tính nghiệp dư trong nghề dạy, chưa có phòng ốc trường lớp, chương trình giảng dạy, sách vở học tập chỉ mới bước đầu đi vào quy củ và xây dựng nề nếp, nên 1 số gia đình khá giả, có điều kiện ở địa phương vẫn chưa cho con em mình dự tuyển vào trường mà còn gởi đi ”du học” ở các tỉnh khác như Nha Trang, Sài Gòn thậm chí cả Huế, Đà Lạt, nhưng chỉ cần ba, bốn năm sau, nhờ Thầy tận tâm với nghề, thể hiện hết tình thương và trách nhiệm trong từng hoạt động sư phạm. Trò chăm chỉ học tập quên mình để bù vào 1 thời ”đói học” của cha anh nên dù còn trăm thứ bộn bề, nhưng Trường đã ra Trường từ độ đó. Trường đã có sức hút giáo dục, sức hút sư phạm ngày càng mạnh mẽ; không chỉ số lượng học sinh ghi tên thi dự tuyển vào trường ngày càng đông, mà số học sinh Phan Thiết- Bình Thuận những năm về trước đi”du học” ở các tỉnh cũng lần lượt rủ nhau xin chuyển về. Mong muốn được học trường Phan Bội Châu không chỉ là của học sinh mà còn của nhiều phụ huynh, gia đình đối với con em mình. Tập thể sư phạm nhà trường đã xây dựng một địa chỉ giáo dục có uy tín, được cộng đồng tin cậy. Từ một trường Trung học đệ nhất cấp (trung học cơ sở) năm 1952- 1953, năm sáu năm sau đã mở thêm những lớp đệ tam, đệ nhị (lớp 10, lớp 11) của bậc đệ nhị cấp (cấp III). Đến 10 năm sau, năm học 1962- 1963, Trường đã có học sinh đầu tiên dự thu Tú tài toàn phần và đã cho vào đời những cô Tú cậu Tú đầu tiên ”made in Phan Bội Châu- Phan Thiết”. Đến nay xấp xỉ bốn mươi ngàn tú tài dành cho học sinh xuất thân từ trường Phan Bội Châu. Đó là một thành quả không nhỏ được thể hiện bằng con số. Nhưng cái không thể hiện được bằng con số lại lớn hơn.
Lại cũng ví như, trường đã tạo cơ hội cho tuổi trẻ Phan Thiết- Bình Thuận bộc lộ tinh thần hiếu học của mình. Khơi dậy năng lực học tập.
      Trước năm 1952, lúc mà ở Bình Thuận chưa có trường trung học, ngoài con em của một số gia đình khá giả sau khi học xong tiểu học được cho đi các nơi khác học tập tiếp, đa số còn lại đều ngậm ngùi an phận với câu Văn chương không bằng xương cá mòi và phó thác cuộc đời đói chữ của mình cho sông nước, cho biển cả. Trong cái thế chẳng đặng đừng đó lại bị mang tiếng dân quê mình xem thường cái chữ nghĩa. Năm 1952, Trường Phan Bội Châu đã mang cái học bậc trung học về đây, là cơ hội tốt để con em Phan Thiết- Bình Thuận, thể hiện tinh thần hiếu học. Vào những năm 50-60, ai đã từng ở Phan Thiết, nếu có dịp ra đường vào 4, 5 giờ sáng chắc sẽ nghe râm ran những tiếng học bài trong những căn nhà nhỏ, dưới vùng sáng hiu hắt của ngọn đèn dầu! Hoặc có dịp vào nhà, chắc sẽ thấy, trên tường, trên vách cột, thậm chí có khi trên cả mặt bàn mặt ghế ghi đầy những công thức toán học, công thức vật lý, phản ứng hóa học, các mốc thời gian đáng nhớ của lịch sử, các địa danh đặc biệt. Từ đó có thể biết, trong nhà có con em đã hoặc đang học lớp nào của trường Phan Bội Châu. Cái học được bày ra khắp nơi, ai cũng nghe, cũng thấy và cũng mừng thầm cho cái ngày mai ở vùng đất này.
      Trong khóa thi tú tài II năm 1963 tổ chức tại Nha Trang dành cho học sinh các tỉnh Nam Trung phần, Bình Thuận có 70 học sinh của 2 lớp đệ nhất trường Phan Bội Châu. Là những học sinh tỉnh lẻ ra Nha Trang còn mang theo vị mặn của biển muối, cái ngai ngái nồng nàn của nước mắm làm mấy cô, mấy cậu nhà mình rụt rè tự ti đến tội nghiệp. Trong cái mặc cảm thua thiệt đó đã thầm thúc đẩy nhau cố gắng cho bằng người, ít nhất cũng trong học hành thi cử. Trong buổi xướng danh (đọc tên những người tốt nghiệp), các cô các cậu nhà mình cũng xúm xít bên nhau trong góc vắng của sân trường Võ Tánh, nhưng chính trong cái góc vắng đó lại vang lên nhiều tiếng vỗ tay reo hò hơn cả. Tối hôm đó, trên đường phố Nha Trang, những cô Tú, cậu Tú tân khoa  “made in Phan Bội Châu-Phan Thiết” hết sức tự tin nhìn người và nhìn đời. Xin cảm ơn các Thầy Cô, xin cảm ơn nhà Trường đã cho những thế hệ học sinh mình góp mặt với đời một cách vững vàng, tự tin.
Hôm nay, đứng ở sân trường, nhìn những phòng học trên những tầng lầu kiên cố, sáng sủa. mát mẻ, đẹp đẽ; nhìn các phòng làm việc, thư viện, khu thí nghiệm thực hành, nhà luyện tập và nhà thi đấu đa năng; rồi trang thiết bị, sách vở… tất cả đều hơn hẳn năm, sáu mươi năm về trước. Thực đáng mừng, đáng tự hào và phải hết sức trân trọng giữ gìn. Song thời gian sẽ làm cho gạch đá, kể cả sắt thép cũng phải hư hỏng, chắc chắn sẽ được thay thế tốt hơn, đẹp hơn, hiện đại hơn. Chỉ mong Nếp trường còn được giữ mãi và ngày một dày thêm.
                   Sáu mươi năm trước đây là mộng
                   Hiện thực bây giờ cũng tưởng mơ
                   Bến Ngự Người đi hồn đọng lại
                   Đồng tâm hậu thế “ Nhật nhật tân”
  Hoàng Công Bình

Trung Học Phan Bội Châu 1956-1957 (60 năm Phan Bội Châu)

 
Tình bạn thuở học trò là một trong những quan hệ tốt đẹp nhất trong xã hội. Quan hệ này vô cùng trong sáng, chân tình và hết sức thủy chung, bởi quen nhau dưới mái trường, trong cùng một lớp học, không bao giờ tính toán thiệt hơn, không bao giờ dối trá lừa lọc, không bao giờ cố ý làm tổn thương nhau và giữ mãi cho nhau những điều tốt đẹp, đó là sự chân tình, trong sáng. Chúng ta gặp nhau, quen nhau trên sân trường Phan Bội Châu- Phan Thiết từ năm 1956, lúc đó còn là những cô chú nhóc con, đến nay năm 2015, gần tròn 60 năm mà gặp nhau vẫn mày tao, đùa vui như “đàn khỉ nhỏ”, đó chính là  sự thủy chung.
          Đến năm 1963 hầu hết chúng ta ra trường, rời khỏi Phan Bội Châu, mái nhà chung của 261 cô cậu trúng tuyển vào Đệ Thất năm 1956 và sau này bổ sung thêm từ các trường khác về học chung khóa lên đến 311 người (có thể chưa chính xác), chúng ta không có dịp gặp nhau hàng ngày nữa, nhưng luôn nhớ về nhau, và nếu có dịp cũng cố gắng tìm đến thăm nhau, nhất là những lúc vui, buồn, ốm đau. Giờ đây, chúng ta ngoài gia đình, chúng ta còn có ”Bạn học”. Quan hệ trong gia đình vợ chồng con cháu, quan hệ máu thịt tình nghĩa đó nó có cung bậc cảm xúc vui buồn riêng, nó có tôn ty trật tự chứ không cùng trang lứa. Khác với quan hệ ”Bạn học”, chúng ta cùng trang lứa có những cung bậc cảm xúc riêng. Chúng ta với nhau không thấy mình Già, bởi chuyển động cùng chiều cùng vận tốc, thì nhìn nhau như đang đứng yên, vui thực! Nên rất thích gặp nhau, rất thích chuyện trò với nhau.
       Ý nghĩ đó dẫn đến đa số đồng thuận, ngoài những lúc gặp nhau riêng rẽ, chúng ta mỗi năm phải có một lần gặp mặt chung và chọn chiều Mồng Bốn Tết. Quyết định này đã được thực hiện từ năm 1995, đều đặn cho đến nay
Đặc San Thế Hệ Thứ V, Trường Phan Bội Châu. (Tập II), ra mắt vào dịp họp mặt chiều Mồng Bốn Tết năm 2016, nhằm kỹ niệm 60 năm Bạn Bè của chúng ta. Xem như đây là tập cuối, viết về mình về bạn bè về thầy cô trường lớp, cả về chuyện đời,cốt để cho nhau đọc
         Tập II này được nhiều bạn tham gia, gởi bài và ảnh. Những bài và ảnh đã đăng cũng chỉ là những cây viết nghiệp dư, hay dở, khen chê, cũng mong xin được các bạn mỉm cười bởi cái quý là tấm lòng với nhau.

Đặc San 60 Năm Tình Nghĩa Bạn Bè (1956-2015)                                                                                                                                                                                        

Các Thầy Cô dạy Đệ Nhất Cấp NK 1956-1957 PBC Phan Thiết

 Phòng học Tam C và Thất IV NK 1956-1957